BVR&MT – Việc thực hiện theo chủ trương, chính sách của Chính phủ về thực hiện xây dựng và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hữu cơ đã mang lại những thành tựu nhất định, thế nhưng mô hình này vẫn chưa được nhân rộng, thậm chí nhiều nông dân còn chưa dám thay đổi cách canh tác của mình.
Nghị định 109/2018/NĐ-CP nêu rõ nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.
Các tiêu chuẩn về nông sản sạch, nông sản hữu cơ đều được Bộ NN&PTNT quy định rõ, thế nhưng theo hướng canh tác của nông dân hiện nay thì phương pháp sử dụng phân bón, thuốc theo hướng hữu cơ đang gây ra một số khó khăn, thậm chí nhiều nông dân còn không muốn đi theo hướng nông sản hữu cơ.
Có mặt tại huyện Châu Thành – Long An, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có cuộc khảo sát tại khu vực này. Đây được xem là khu vực trồng nhiều thanh long nhất, sản phẩm chủ yếu được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Trước đây khu vực này sản xuất thanh long theo hướng hóa học và không đạt tiêu chuẩn xuất đi các nước như Hàn Quốc, Úc, Mỹ… vì hàm lượng hóa học trong sản phẩm rất cao. Nông dân ở đây cho biết họ trồng theo số đông, muốn thay đổi phải thay đổi hết, nếu một mình thay đổi nông sản làm ra không biết bán cho ai, đây có thể là khó khăn lớn nhất mà nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành đang lo lắng.
Được sự giúp đỡ của tập đoàn Biobee Việt Nam, anh Nguyễn Hữu Thòn đã thử nghiệm trên 200 gốc thanh long tại khu vườn của mình, hiệu quả mang lại đã được các chuyên gia của Biobee đánh giá cao, trái ra đều, không khô, da bóng… Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của anh cũng như các chủ vườn khác chính là đầu ra của nông sản sạch, theo người đại diện của Biobee Việt Nam tại miền Nam cho biết, một số nông sản sạch sau khi nông dân sản xuất ra sẽ được bao tiêu đầu ra, với điều kiện phại đảm bảo đúng quy trình và chịu sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp.
Anh Thòn cho biết: “Nếu tính theo chi phí giữa phân bón thường dùng (hóa học) và phân bón của Biobee thì mức giá không chênh lệch quá cao, tuy nhiên sự dụng phân bón hữu cơ thì tốt cho đất và các vi sinh vật dưới đất, không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng sản phẩm tạo ra không biết có đạt chất lượng như trước kia, và sản phẩm sạch này thị trường có ưa chuộng, chỉ cần có đầu ra ổn định, không chỉ tôi mà cả khu vực này sẽ đi theo hướng hữu cơ như Chính phủ quy định”.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thùy Hương – Giám đốc Khu vực miền Nam – Tập đoàn Biobee Việt Nam: “Từ ngày 1/10/2019 các sản phẩm sạch muốn xuất sang các nước Hàn, Mỹ, Úc… thì phải có giấy truy xuất nguồn gốc của nông sản, tức các mặt hàng này sẽ được kiểm tra về hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ có vượt quy định hay không, nếu vượt thì hàng sẽ được trả về lại, quy định này sẽ được áp dụng trên toàn quốc đối với các mặt hàng nông sản trong đó gạo và thanh long là hai mặt hàng chủ yếu”.
“Khó khăn đầu ra của nông dân cũng chính là nổi lo của chúng tôi, theo kế hoạch chúng tôi sẽ quy hoạch từng vùng cho những loại nông sản khác nhau để đi theo hướng hữu cơ và mục tiêu xa hơn nữa là muốn bao tiêu đầu ra cho nông dân để họ tự tin sản xuất, hiện tại chúng tôi đang liên hệ với các công ty chuyên chế biến trái cây sạch để thống nhất thu mua nông sản sạch cho nông dân”, bà Hương cho biết thêm.
Theo đó, để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong tương lai người nông dân cần mạnh dạn thay đổi cách canh tác theo hướng hữu cơ theo Nghị định của Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần giúp đỡ người nông dân trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp không có chất hóa học, vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường đất và nước.
Hữu Vũ