BVR&MT – Một hội thảo thực thi phòng chống tội phạm động vật hoang dã giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được Hải quan Trung Quốc và Quỹ phúc lợi động vật quốc tế (IFAW) phối hợp tổ chức tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông từ ngày 10 – 12/5.
Tội phạm động vật hoang dã là tội phạm có tổ chức mang tính toàn cầu đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của hàng nghìn loài nguy cấp, do đó đòi hỏi nỗ lực thực thi từ các quốc gia trong toàn bộ chuỗi thương mại.
Những năm gần đây, Hải quan Trung Quốc ngày càng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống buôn bán động vật hoang dã nên các tập đoàn tội phạm đã chuyển hướng sang buôn lậu các bộ phận và sản phẩm động vật hoang dã qua những khu vực biên giới rộng lớn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Trung Quốc đã thực thi lệnh cấm triệt để thương mại ngà voi vào ngày 1/1/2018. Theo Hải quan Trung Quốc, Cục phòng chống buôn lậu (ASB) đã xử lý 340 vụ buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trong 2 năm 2017 và 2018.
Kể từ đầu năm 2019, ASB đã điều tra 182 vụ buôn lậu các loài nguy cấp và 53 vụ liên quan đến ngà voi. Tổng cộng có 27 tập đoàn tội phạm bị phá vỡ, 171 nghi phạm bị bắt và 500,5 tấn sản phẩm các loài nguy cấp bị thu giữ, trong đó có 8,48 tấn ngà voi và các sản phẩm ngà voi.
Các cơ quan thực thi tại khu tự trị Hồng Kông và Việt Nam cũng đã đóng vai trò thiết yếu trong việc phá vỡ nạn buôn bán động vật hoang dã xuyên khu vực.
Một báo cáo do Nhóm công tác thương mại động vật hoang dã Hồng Kông đưa ra vào tháng 1 năm nay cho thấy trong thập kỷ qua, sự đa dạng của các loài nguy cấp được nhập khẩu vào Hồng Kông đã tăng 57% và giá trị thương mại ước tính tăng 1.600%.
Ngày 16/1/2019, Hải quan Trung Quốc và Hải quan khu tự trị Hồng Kông phối hợp thu giữ 8.268 kg vảy tê tê và 2.070 kg ngà voi.
Là một quốc gia nóng về buôn bán động vật hoang dã nên Hải quan Việt Nam đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ lớn trong những năm gần đây. Ngày 26/3/2019, các cơ quan chức năng Việt Nam đã thực hiện một vụ thu giữ kỷ lục với 9,12 tấn ngà voi bị tịch thu.
Tại hội thảo, các quan chức Hải quan Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin chặt chẽ hơn và kế hoạch hoạt động chung nhằm tăng cường các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã trong khu vực.
Theo Grace Ge Gabriel, Giám đốc khu vực châu Á của IFAW, “để ngăn chặn sự tàn sát của các loài nguy cấp, chúng ta phải phá vỡ mọi liên kết trên chuỗi thương mại – từ săn trộm đến buôn bán và nhu cầu. IFAW sẽ tiếp tục làm việc với Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác thực thi ở cấp khu vực và xuyên khu vực”.
Nhật Anh (Theo chinadaily)