BVR&MT – Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã Ban hành Quyết định số 2683/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo đó nội dung tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến tinh và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới 3 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp (Sông Kôn, Quy Nhơn, Hà Thanh). Phê duyệt kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020, Dự án bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 của Ban Quản lý Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Định và của các huyện. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó: Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 379.410,2 ha, gồm: Quy hoạch chức năng phòng hộ là 186.973,4 ha, quy hoạch chức năng sản xuất là 159.623,6 ha và quy hoạch chức năng đặc dụng là 32.813,2 ha.
Thực hiện Quyết định số 2683/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã khẩn trương tích cực triển khai các nội dung:
Xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn giai đoạn 2015 – 2025 của tỉnh với diện tích 10.000 ha, định hướng đến năm 2035 là 30.000 ha. Phê duyệt Phương án Quản lý rừng bền vững của 3 Công ty TNHH lâm nghiệp: Quy Nhơn, Hà Thanh, Sông Kôn. Ban hành quy trình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và hướng dẫn kỹ thuật chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn với mục tiêu đạt trên 10.000 ha rừng trồng gỗ lớn vào năm 2020.
Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất: Nâng cao chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng:
Ngoài việc kiểm tra, thẩm định các nguồn giống theo quy định, thì việc kiểm tra sản xuất kinh doanh giống của các cơ sở sản xuất giống cũng được thực hiện theo định kỳ. Công tác kiểm tra, nghiệm thu rừng trồng của các đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được kiểm soát thông qua kiểm tra giấy chứng nhận nguồn gốc giống lô cây con. Sau 5 năm thực hiện Đề án đã trồng 47.390,58 ha rừng và toàn bộ cây giống để trồng rừng đều được kiểm soát nguồn gốc.
Tuyên truyền và khuyến khích các đơn vị sản xuất kinh doanh giống đầu tư công nghệ nuôi cấy mô và khuyến khích người dân sử dụng cây nuôi cấy mô để trồng rừng, kết quả: Trước năm 2013, toàn tỉnh có 2 đơn vị sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, với công suất sản xuất 10 triệu cây/năm, đến nay có 4 đơn vị sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, công suất trên 20 triệu cây/năm. Diện tích rừng trồng bằng cây nuôi cấy mô từ năm 2014 đến nay là 5.520 ha.
Thâm canh trồng rừng: Đa số diện tích rừng trồng được thực hiện phương thức thâm canh, chất lượng và năng suất rừng trồng ngày càng được nâng cao. Từ năm 2013 đến năm 2017, diện tích rừng tăng từ 311.858,7 ha lên 350.707,6 ha (rừng trồng 134.294,8 ha, trong đó rừng sản xuất 96.969,33 ha), độ che phủ rừng tăng từ 48,8 % lên 53,95%; năng suất rừng trồng bình quân tăng từ 16 m3/ha/năm lên 20 m3/ha/năm.
Nâng cao giá trị rừng trồng: Tỉnh đã chú trọng chuyển từ trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn và khuyến khích người trồng rừng xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho diện tích rừng trồng sản xuất. Đến nay đã trồng được 1.247,1 ha rừng trồng gỗ lớn, gồm: 840 ha rừng trồng lại sau khai thác và 407,1 ha rừng trồng chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trên địa bàn tỉnh có 10.115,41 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó: hộ gia đình là 352,8 ha, doanh nghiệp nước ngoài là 9.762,61 ha. Hiện nay, 3 công ty TNHH lâm nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững và đang xây dựng dự án cấp chứng chỉ FSC.
Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến và phát triển thị trường gỗ, sản phẩm gỗ: Để nâng cáo giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến và phát triển thị trường gỗ, sản phẩm gỗ, tỉnh đã thực hiện:
Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp cận và áp dụng công nghệ chế biến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO; thực hiện quy trình quản lý Chuỗi hành trình FSC – CoC đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt, chất lượng đồng bộ, thời gian giao hàng nhanh, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, phong phú. Sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC, bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Hoa Kỳ.
Củng cố Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định đi vào hoạt động ổn định, phát huy được hiệu quả. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng liên kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đã xây dựng và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch Thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài phù hợp với thực tế, góp phần tăng cường hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng Đề án phát triển sản phẩm gỗ nội thất tỉnh Bình Định đến năm 2020 và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ nội thất nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi từ đồ gỗ ngoài trời sang đồ nội thất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 120 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 345.000 m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 70 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp. Về thị trường, sản phẩm đồ gỗ Bình Định đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục, trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn là xuất khẩu sang châu Âu (chiếm 82%), Châu Đại Dương (7,7%), Châu Mỹ (5%), Châu Á (5%) và Châu Phi. Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ chiếm 50% so tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp: Đã thành lập 1 Hợp tác xã lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại hợp tác xã hoạt động chủ yếu là dịch vụ cưa xẻ gỗ đáp ứng nhu cầu của thành viên hợp tác xã cũng như nhân dân trong vùng. Hiện có 3 công ty TNHH lâm nghiệp của tỉnh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất giống đến trồng, chăm sóc rừng, khai thác, chế biến gỗ và xuất khẩu.
Từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thực hiện các đề tài trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, như: Sa nhân tím, cây Kim tiền thảo, Giảo cổ lam; các cấp, các ngành chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định trồng thử nghiệm các loài cây dược liệu dưới tán rừng, như: Gừng, Chè dây, Đinh lăng, Ngũ vị tử,… Sau khi chọn được loài cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên trong khu vực và mang lại hiệu quả kinh tế cao, sẽ thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng cây dược liệu dưới tán rừng.
Sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh: Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới của 3 Công ty TNHH Lâm nghiệp của tỉnh. Nội dung Phương án là tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu Công ty TNHH Lâm nghiệp theo mô hình công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; sau khi sắp xếp, các công ty quản lý sử dụng 38.332,5 ha, số lao động là 174 người. Các công ty sẽ xây dựng Dự án kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2015 – 2025 và định hướng 2035; tăng tỷ lệ diện tích rừng trồng bằng cây giống Keo lai nuôi cấy mô đạt trên 70%; xúc tiến xây dựng cấp chứng chỉ rừng trồng FSC; xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất lâm nghiệp từ sản xuất giống đến chế biến, xuất khẩu và tiếp tục quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có…