BVR&MT – Trong năm 2018, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tình trạng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng giảm đáng kể.
Khu vực phía Bắc (KVPB) có tổng diện tích có rừng là 8.735.342 ha, chiếm 60,60 % diện tích có rừng cả nước, độ che phủ rừng đạt 49,84%. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo hỗ trợ của Trung ương và sự cố gắng của các địa phương, nhiều nơi đã hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp có quy mô tập trung góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Là khu vực có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, có chung đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Lào; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó lâm nghiệp được xác định là vùng phòng hộ xung yếu và đặc biệt xung yếu cho các tỉnh đồng bằng và thủ đô Hà Nội. Nơi đây cũng là khu vực có nhiều tiểu vùng sinh thái, có nhiều nguồn gien bản địa quý hiếm; đồng thời là khu vực trọng điểm phát triển trồng rừng nguyên liệu cho nguyên liệu giấy, ván ép.
Kết quả thực hiện năm 2018
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng diện tích có rừng của khu vực phía bắc (KVPB) là 8.735.342 ha, trong đó: Rừng tự nhiên: 6.133.904 ha, rừng trồng: 2.601.438 ha; rừng đặc dụng: 1.155.977 ha, rừng phòng hộ: 2.805.000 ha, rừng sản xuất: 4.253.080 ha, rừng ngoài quy hoạch: 521.285 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng năm 2017 là 49,84%, cụ thể:
Đến hết ngày 30/11/2018, đã phát hiện 6.046 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, chiếm 49% số vụ vi phạm cả nước, giảm 1.098 vụ (15%) so với năm 2017; diện tích rừng bị thiệt hại 452 ha, giảm 223 ha (33%) so với năm 2017. Các vụ vi phạm chủ yếu là: Phá rừng trái pháp luật, khai thác trái phép, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổng số vụ đã xử lý là 5.378 vụ, trong đó: Khởi tố hình sự 66 vụ, xử lý hành chính 5.312 vụ.
Các vụ vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng thời gian qua giảm mạnh, có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương, góp phần vào thành tích chung trong công tác quản lý bảo vệ rừng toàn quốc (số vụ vi phạm giảm 15% và diện tích thiệt hại giảm 33%). Về cơ bản, rừng đã và đang được quản lý bảo vệ và phát triển; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép trên quy mô lớn được kiềm chế, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng và cơ bản đã kiểm soát được các “điểm nóng” phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tích cực tuần tra kiểm soát giám sát chặt chẽ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ. Tính đến tháng 11/2018, khu vực phía Bắc có 9.630 cơ sở chế biến lâm sản (trong đó: 1.791 doanh nghiệp, 86 hợp tác xã, 7.753 hộ gia đình).
Khu vực phía Bắc có 29/31 tỉnh rà soát báo cáo các dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR) thực hiện theo quy định tại Nghị định 71/NĐ-CP. Tổng số dự án có đề nghị CMĐSDR là 2.259, diện tích đề nghị CMĐSDR là 83.959 ha (rừng tự nhiên 21.155 ha, rừng trồng 44.013 ha, đất chưa có rừng 9.470 ha, chưa xác định loại rừng 14.118 ha); trong đó:
Nhóm dự án quốc phòng, an ninh: 303 dự án, diện tích đề nghị CMĐSDR là 10.644 ha; trong đó: rừng tự nhiên 1.572 ha, rừng trồng 4.743 ha, đất chưa có rừng 757 ha, chưa xác định loại rừng 3572 ha.
Nhóm dự án công trình công cộng, an sinh xã hội: 1.130 dự án, diện tích đề nghị CMĐSDR là 17.470 ha; trong đó: rừng tự nhiên 1.631 ha, rừng trồng 11.232 ha, đất chưa có rừng 593 ha, chưa xác định loại rừng 4.014 ha.
Nhóm dự án phát triển kinh tế: 826 dự án, diện tích đề nghị CMĐSDR là 55.845 ha; trong đó: rừng tự nhiên 13.155 ha, rừng trồng 28.037 ha, đất chưa có rừng 8.120 ha.
Các tỉnh Khu vực phía Bắc đã trồng 157.202 ha, bằng 110,8 % so với cùng kỳ năm 2017, ước đến hết tháng 12/2018 các tỉnh phía Bắc trồng được 167.338 ha rừng trồng tập trung, bao gồm:
Rừng phòng hộ, đặc dụng: 9.022 ha, đạt 116,3% kế hoạch năm, bằng 142,3% so với cùng kỳ năm 2017, ước đến hết tháng 12/2018 các tỉnh phía Bắc trồng được 9.095 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; một số tỉnh giảm so với cùng kỳ như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An; một số tỉnh tăng so với cùng kỳ như: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La.
Rừng sản xuất: 148.181 ha (trồng mới 39.862 ha, trồng lại sau khai thác 108.318 ha), đạt 99,3 % kế hoạch năm, bằng 113,1 % so với cùng kỳ năm 2017. Một số tỉnh đạt kết quả tốt như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Trồng cây phân tán: 37,4 triệu cây, đạt 99,2 % kế hoạch năm, bằng 115,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Chăm sóc rừng trồng: 312.444 ha đạt 93,1 % kế hoạch năm, bằng 106,6 % so với cùng kỳ năm 2017. Khoán bảo vệ rừng: 4.339 nghìn ha. Khoanh nuôi tái sinh: 272.717 ha, trong đó: Khoanh nuôi mới: 112.527 ha; khoanh nuôi chuyển tiếp: 160.190 ha.
Bảo vệ và phát triển rừng ven biển phía Bắc tính đến tháng 10/2018 đã trồng được 6.310 ha; trong đó trồng rừng mới 5,152 ha, trồng bổ sung phục hồi rừng 1.158 ha.
Khai thác lâm sản: Ước tính khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc trong 10 tháng đầu năm đạt 9,3 triệu m3; cả năm ước đạt 11,3 triệu m3.
Bảo tồn thiên nhiên của các tỉnh KVPB: Có 28/31 tỉnh, thành phố có diện tích rừng đặc dụng, với 106 khu, tổng diện tích là 1.308.421,6 ha; trong đó 16 Vườn Quốc gia (501.438,92 ha/20 tỉnh), 38 Khu Bảo tồn thiên nhiên (693.298,36 ha/20 tỉnh), 8 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh (62.413,3 ha/6 tỉnh), 37 khu bảo vệ cảnh quan (47.906,55ha/ 15tỉnh) và 7 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học (3.364,47ha/8 tỉnh).
20/20 tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cấp tỉnh (bao gồm cả các tỉnh chỉ có 01 khu rừng đặc dụng không phải làm quy hoạch); 50 khu rừng đặc dụng đã xây dựng báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng bền vững đến năm 2020 theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP (12 Vườn quốc gia, 32 Khu Bảo tồn thiên nhiên và Khu bảo tồn loài, 6 Khu bảo vệ cảnh quan); trong đó chuyển hạng 01 Khu Bảo tồn thiên nhiên thành Vườn Quốc gia, 02 Khu Bảo tồn thiên nhiên đang hoàn thiện hồ sơ chuyển hạng; hoàn thành đề án xác lập mới 03 Khu bảo tồn thiên nhiên, 02 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 05 Khu bảo vệ cảnh quan.
Tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế các tỉnh phía Bắc là: 32.589 ha. Đến hết tháng 11 năm 2018, đã trồng rừng thay thế 31.870 ha/32.589 ha, đạt 98 % tổng diện tích phải trồng. Đến tháng 11/2018, tổng số tiền trồng rừng thay thế các tỉnh phía Bắc đã thu được 433,09/523,55 tỷ đồng, đã giải ngân 222,18 tỷ đồng để thực hiện trồng 16.884,81 ha rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Có 20/31 tỉnh có nguồn thu chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó: Tây Bắc có 4 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình; Đông Bắc có 10 tỉnh: Yên Bái Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang; Bắc Trung Bộ có 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Các tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Tổng số diện tích rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng tại 20 tỉnh này là: 3,622 triệu ha tăng hơn 300 ngàn ha so với năm 2017, trong đó: Tây Bắc: 1,51 triệu ha; Đông Bắc: 1,32 triệu ha; Bắc Trung bộ: 872 ngàn ha. Nguồn tiền DVMTR của năm 2017 chi đến 4/2018 là: 731,2 tỷ đồng. Nguồn tiền DVMTR của năm 2018 tạm ứng là: 187,2 tỷ đồng.
Năm 2018, tổng vốn đã huy động tại khu vực phía Bắc để thực hiện bảo vệ và phát triển rừng của 30 tỉnh phía Bắc ước đạt 4.714 tỷ đồng..
Khu vực phía Bắc có 53 công ty lâm nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới. Trong đó có 15 công ty duy trì mô hình công ty TNHHMTV thực hiện nhiệm vụ công ích; 8 công ty sẽ chuyển thành công ty TNHH 2 TV; 17 công ty sẽ cổ phần hóa; 3 công ty sẽ sáp nhập, chuyển thành ban quản lý rừng và 8 công ty phải giải thể.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp: Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã xây dựng Đề án/Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Trong đó, về nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tính đến hết 11/2018 đã trồng được 194.351 ha/142.000 ha KH (lũy kế từ 2014 đến hết tháng 11/2018) đạt 136,9%.
Về nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến: Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất sang trên 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Giá trị xuất khẩu lâm sản tăng trưởng nhanh và ổn định (từ 2010 đến nay, bình quân trên 10%/năm). Giá trị xuất khẩu lâm sản 11 tháng năm 2018 ước đạt 8,49 tỷ USD (bằng 94,3% kế hoạch năm), tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt khoảng 8,06 tỷ USD. Giá trị xuất siêu 11 tháng năm 2018 ước đạt 6,4 tỷ USD.
Phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp: Đến nay, đã có 4 mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ với người trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Trị. Trên cơ sở tham gia của trên 1.200 hộ, 5 công ty lâm nghiệp nhà nước với 3 công ty chế biến sản xuất đồ gỗ; diện tích đưa vào liên kết trên 15.400 ha, hiện nay đang được nhân rộng sang các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Qua công tác khảo nghiệm, nghiên cứu chọn, tạo giống năm 2018 đã công nhận được 15 giống cho các loài keo, bạch đàn, sa nhân. Chuẩn bị giống trồng rừng: Các địa phương trong cả nước đã sản xuất được 527,6 triệu cây giống, trong đó cây gieo ươm từ hạt 406,3 triệu cây (chiếm 77%, gồm: Keo tai tượng, Thông mã vĩ, Hồi, Lát hoa, Quế, Mỡ, Lim xanh, Bồ đề, Sa mộc) và 121,3 triệu cây mô-hom (chiếm 23%, gồm: Keo lai, Bạch đàn lai, Bạch đàn u rô).
Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2019
Các tỉnh khu vực phía Bắc Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng, kế hoạch trồng rừng thay thế; quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên toàn quốc, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Trồng rừng tập trung: 150.000 ha, trong đó: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 10.000 ha; trồng rừng sản xuất: 140.000 ha; trồng 30 triệu cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh rừng: 300 nghìn ha/năm; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực thi Chương trình REDD+ quốc gia để tạo nguồn thu từ bán quyền phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên…
Giải pháp
Thực hiện nghiêm chủ trương đóng của rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày về thông tin điểm cháy để kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của Pháp luật về BVR, PCCCR; phân cấp rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp. Tăng cường sự phối hợp các lực lượng trong việc bảo vệ rừng. Xác định rõ cơ chế để cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng; Lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng phải từng bước đổi mới theo hướng phải bám rừng, bám dân, gắn với chính quyền cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội cho sự nghiệp bảo vệ rừng; tiếp tục giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất; Ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ thông tin, viễn thám) trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, theo dõi diễn biến rừng; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành; triển khai Luật Lâm nghiệp, 4 Nghị định và 7 thông tư hướng dẫn thực thi Luật Lâm nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách mới để triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp…