BVR&MT – Các bãi chôn lấp rác thải đã quá tải; các lò đốt công nghệ sơ sài, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; rác thải không được phân loại từ nguồn khiến công nghệ làm phân vi sinh, tái tạo điện sạch từ rác gặp khó khăn… Những vấn đề này khiến lời giải cho bài toán tìm công nghệ tối ưu để xử lý rác thải trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Chôn lấp quá tải, quy chuẩn đốt không đạt yêu cầu
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; chất thải rắn công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800.000 tấn chất thải nguy hại.
Đáng báo động là tình trạng rác thải nhựa ở các thành phố lớn. Hằng năm, TPHCM có khoảng 250.000 tấn rác thải nhựa, trong đó 48.000 tấn chôn xuống đất và có khoảng 200.000 tấn tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã).
Theo số liệu ước tính, khoảng 36% số hộ ở cấp xã tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà; chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm. Đã có một số địa phương hướng dẫn nhân dân ở khu vực nông thôn xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học (biogas) hoặc ủ sinh học làm phân hữu cơ (compost) nhưng số lượng còn rất ít. Tình trạng này khiến các bãi rác mỗi ngày một lớn hơn và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ, tạo áp lực lớn cho cả người dân và chính quyền địa phương.
Để khắc phục tình trạng hết quỹ đất dành cho chôn lấp rác thải, một trong những hình thức xử lý rác được tính toán thay thế là sử dụng công nghệ đốt rác. Theo đó, những năm gần đây, tại hầu hết các tỉnh, thành phố, thậm chí cả các tuyến huyện, xã ở nhiều địa phương đã chủ động xây dựng lò đốt rác.
Phân tích về ưu nhược điểm của phương pháp này, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng cho biết, thực tế đốt rác tại các nơi công cộng, hoặc tại các lò đốt nhỏ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, bởi nguy cơ phát thải dioxin từ các lò đốt rất cao. Không ít địa phương đã chủ động xây dựng lò đốt rác nhưng hầu hết công nghệ sơ sài, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Khảo sát của Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) mới đây cũng cho thấy, nhiều lò đốt chưa bảo đảm môi trường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp và dự thảo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng. Ví dụ như không có hệ thống xử lý khí thải, nhiệt độ đốt thấp do không sử dụng nhiên liệu, thậm chí một số lò chỉ đốt một cấp. Thậm chí, có một thực tế là một số lò vẫn có kết quả quan trắc là đạt nhưng nhiều lò đốt không có cửa lấy mẫu hoặc điểm lấy mẫu không phù hợp để thao tác.
Nghịch lý giảm ô nhiễm rác, tăng ô nhiễm không khí
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn. Việc đầu tư, vận hành cơ sở xử lý chất thải tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa và tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp đa phần chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, do những ảnh hưởng tiêu cực của việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí do đốt hoặc thu hút động vật (ruồi, gián, chuột) ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh, gây ra sự phản đối của cộng đồng đối với việc xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về quản lý hoạt động đốt ngoài trời. Một số vấn đề liên quan đến đốt ngoài trời mới chỉ được quản lý theo khung pháp lý chất thải nguy hại của quản lý môi trường nói chung như Chiến lược quốc gia về Quản lý chất thải rắn tổng hợp, tầm nhìn đến năm 2025.
Phân tích về các giải pháp giảm thiểu lượng chất thải rắn đem đốt, PGS.TS Nguyễn An Thịnh, Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt có tốc độ tăng 10-16% mỗi năm với khối lượng 63.000 tấn/ngày, riêng chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị là 32.000 tấn/ngày. Hiện tại, cả nước có gần 30 cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung, gần 500 bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô trên một ha, trong đó có hơn 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, hơn 350 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, là nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Theo PGS.TS Nguyễn An Thịnh, để giảm thiểu tối đa lượng chất thải rắn đem đốt, cần phân loại rác thải tại nguồn, ngay tại hộ gia đình, thành rác hữu cơ dễ phân hủy và rác thải khó phân hủy.
Với các lò đốt đang được sử dụng, trong quy trình vận hành không thấy nhắc đến giám sát hệ thống xử lý khí cũng như không nhắc đến giám sát nhiệt độ ở buồng lò trên. “Như vậy, việc ồ ạt xây dựng lò đốt rác không phải là cách làm hay, giúp cải thiện môi trường, mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường, đó chính là ô nhiễm không khí”, PGS.TS Nguyễn An Thịnh khẳng định.
Như vậy, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải đang là bài toán cần tìm lời giải của các nhà quản lý, nhà khoa học. Áp dụng công nghệ xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường là hướng đi phù hợp. Xu hướng thế giới đang lựa chọn công nghệ đốt phát điện và nhiệt phân, đây là hai giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả, mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, để có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến này tại Việt Nam cần có sự nghiên cứu, thử nghiệm và tính toán đến sự phù hợp với từng địa phương.