BVR&MT – Từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, nhằm: tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42% vào năm 2020; tiếp tục chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển lâm nghiệp toàn diện theo chuỗi giá trị, đảm bảo bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Sau gần 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, được các bạn bè, đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tiếp tục thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai.
Một số kết quả chủ yếu:
Về bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên
Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,45% năm 2017; năm 2018, ước đạt 41,65%, tăng 0,2% so năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018. Đến năm 2020, ước đạt 42%, đạt mục tiêu của Chương trình.
Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm rõ rệt so với giai đoạn 2011-2015; số vụ vi phạm giảm 35%; diện tích rừng bị thiệt hại giảm 10% so với giai đoạn 2011-2015.
Diện tích rừng được khoán cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tăng từ 4,944 triệu ha/năm trong giai đoạn 2011-2015 lên 6,143 triệu ha/năm giai đoạn từ 2016-2018.
Về phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng
Phát triển rừng
Công tác trồng rừng được các địa phương quan tâm, giai đoạn 2016-2018, đã trồng được 675 nghìn ha, bình quân 225 nghìn ha/năm, đạt 65,8% nhiệm vụ của Chương trình.
Trồng cây phân tán: giai đoạn 2016-2018, đã trồng được 170,7 triệu cây, bình quân 59,9 triệu cây/năm, đạt 68,3% nhiệm vụ của Chương trình.
Khoanh nuôi tái sinh: bình quân 345 nghìn ha/năm, đạt 96% nhiệm vụ hàng năm của Chương trình.
Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng
Chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn được 84,4 nghìn ha, đạt 94% nhiệm vụ của Chương trình.
Tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống hiện nay là 85%, về đích trước 2 năm so với nhiệm vụ của Chương trình.
Đến nay, năng suất rừng trồng bình quân hiện nay đạt 21,86 m3/ha/năm, đạt 109 % so với nhiệm vụ đề ra của Chương trình, về đích trước 02 năm so với nhiệm vụ của Chương trình. Một số mô hình điển hình rừng trồng đạt năng suất cao, như rừng trồng Bạch đàn cự vĩ tại Bắc Giang đạt 35-40 m3/ha/năm; rừng trồng Keo lai AH7 tại Cà Mau đạt 40 m3/ha/năm. Ước đạt bình quân khoảng 22 m3/ha/năm vào năm 2020, đạt 110% nhiệm vụ Chương trình.
Nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp
Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 28.200 tỷ đồng năm 2016 lên 31.345 tỷ đồng năm 2018, tăng bình quân 5,73%/năm.
Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 8,03 tỷ USD năm 2017, xuất siêu 5,4 tỷ USD, chiếm 22,1% tổng giá trị xuất khẩu, chiếm 68% tổng giá trị suất siêu toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đứng thứ sáu trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 Thế giới về xuất khẩu lâm sản. Thị phần xuất khẩu lâm sản của Việt Nam chiếm khoảng 6,0% tổng giá trị của thị trường lâm sản thế giới.
Năm 2018, ước đạt trên 9,0 tỷ USD, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 11,0 tỷ USD, bằng 133% so với mục tiêu Chương trình.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng 5,7 triệu m3 so với năm 2015, từ 12,8 triệu m3 năm 2015 lên khoảng 18,5 triệu m3 năm 2018, tương ứng tăng 145%. Với sản lượng rừng trồng tăng như vậy đã tạo điều kiện chủ động được nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ, thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc từ năm 2017 đến nay.
Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài.
Về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Đến 9/2018, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững theo hệ thống của FSC là 229.281 ha (rừng trồng 147.677 ha, rừng tự nhiên 81.604 ha) tại 17 tỉnh, với 36 đơn vị được cấp chứng chỉ: 04 nhóm hộ gia đình (Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Trị và Quảng Nam) và 32 Công ty lâm nghiệp.
Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã đạt được 46% so với nhiệm vụ của chương trình. Ước đến năm 2020 đạt 100% nhiệm vụ của Chương trình.
Như vậy đến nay, có 03/16 chỉ tiêu đã về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, gồm: (i) Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; (ii) Năng suất rừng trồng bình quân hằng năm; (iii) Tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống; Có 05/16 chỉ tiêu đạt trên 90% so với chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, gồm: (i) Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc; (ii) Diện tích rừng suy thoái được phục hồi; (iii) Trồng rừng thâm canh; (iv) Khoanh nuôi tái sinh rừng; (v) Chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn. Dự báo các chỉ tiêu này sẽ hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của Chương trình; Có 08/16 chỉ tiêu đảm bảo tiến độ của Chương trình, gồm: (i) Giảm diện tích rừng bị thiệt hại, (ii) Giảm số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; (iii) Diện tích rừng đặc dụng tăng thêm; iv) Trồng rừng tập trung; (v) Trồng rừng sản xuất; vi) Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; (vii) Trồng cây phân tán; (viii) Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững gắn với Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, Luật Lâm nghiệp, đảm bảo việc bảo vệ và phát triển rừng gắn với ổn định đời sống của người dân sống gần rừng; tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế; bảo vệ môi trường sinh thái rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.