BVR&MT – Mầm măng tây nhoi lên trên nền cát, ông Nguyễn Đăng Đỏ khấp khởi mừng thầm “Có hy vọng cho vùng cát bạc màu rồi”. Chưa bao giờ ông nghĩ, sẽ có mầm cây tươi non sống được vùng cát cháy ven biển quê mình…
Khởi đầu trên vùng cát trắng
Những ngày tháng ba, vợ chồng anh Lê Tuấn Sương ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) tất tả cho đợt thu hoạch măng tây. Sau hơn một tháng, anh thu trên 600 kg măng tây chuyển cho công ty phân phối anh được hơn 15 triệu đồng.
Anh Sương cho biết, từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, trên bốn sào đất anh trồng 4.000 gốc măng tây. Sau hơn năm tháng, lứa măng đầu tiên trồng trên đất cát to tròn, xanh mướt. Từng trồng trọt qua nhiều cây con giống, lần đầu tiên anh thu được hàng nông sản năng suất cao và được công ty thu mua tại chỗ.
“Vốn đầu tư ban đầu 130 triệu đồng, thu tháng đầu 600 kg thấy khả quan lắm. Trồng một lần rồi, mỗi năm thu được tám tháng, rồi công ty họ mua cho mình luôn không phải lo. Vậy là được với nhà nông rồi” – Anh Sương vui vẻ.
Từ 5 ha đất cát bạc màu của rừng phi lao, huyện Mộ Đức đã chuyển đổi thành vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn. Sau nhiều lời kêu gọi, Công ty Linh Đan Miền Trung quyết định đầu tư thành cánh đồng măng tây. 3,2 ha trồng măng, diện tích còn lại nhà đầu tư quy hoạch khu cung ứng cây giống cho nhà nông. Từ hỗ trợ của doanh nghiệp, 8 hộ dân đầu tiên tham gia dự án tạo thành chuỗi sản xuất, phân phối tiêu thụ măng tây ra thị trường.
Vùng đất cát bạc màu, khô cằn dọc vùng ven biển được thay thế bởi những vườn măng tây tươi non, xanh mướt. Ông Nguyễn Đăng Đỏ, Tổ trưởng Tổ hợp tác măng tây xanh cho biết, từ xưa ở đây chỉ có phi lao, rừng dương chịu được cái khắc nghiệt của nắng, gió biển. “Trồng vụ đầu vẫn bị sâu bệnh vì đây là vùng cát khô mà, xưa giờ không trồng được gì ngoài phi lao. Vài vụ sẽ hết sâu thôi. Ai mà nghĩ vùng này lại trồng được cây măng xanh tươi như thế. Có nghĩ hay mơ cũng không ngờ. Nay thì thấy hy vọng lớn rồi. Bà con đang mong được trồng nhiều hơn nữa” – Ông Đỏ phấn chấn.
Mở rộng lối mời doanh nghiệp đầu vốn về nông thôn, nhiều vùng nông thôn Quảng Ngãi kết nối doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản ra thị trường. Hy vọng mới bắt đầu từ vùng cát trắng ven biển.
Nỗ lực thu hút dự án nông nghiệp về nông thôn
Địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển là lợi thế để tỉnh Quảng Ngãi thu hút nhiều loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tạo ra sản phẩm nông sản đa dạng, đặc thù riêng theo vùng miền, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong thời gian dài, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi vẫn loay hoay với hướng đi mới, tìm sản phẩm nông nghiệp và thị trường tiêu thụ. Khoảng trống trong thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bỏ ngõ nhiều năm.
Xác định lại tiềm năng, thế mạnh, hai năm qua, tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Các chương trình xúc tiến đầu tư, hội thảo mở rộng mời gọi doanh nghiệp về nông thôn được hiện thực hoá từ cơ sở. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư về vùng nông thôn Quảng Ngãi.
Ông Masanobu Nakamura, Giám đốc kinh doanh Công ty Sản phẩm hữu cơ Shirataki Bio Sangyo (Nhật Bản) cho biết, sau hai năm tìm hiểu điều kiện, thổ nhưỡng nông thôn ở Quảng Ngãi, công ty triển khai dự án nông nghiệp vùng ven biển. “Từ giới thiệu của tỉnh, chúng tôi thấy rất phù hợp và muốn đầu tư trồng tỏi voi và sản phẩm phân hữu cơ ở huyện Mộ Đức. Tôi nghĩ vùng này phù hợp và cho năng suất rất cao, tạo ra nông sản giá trị xuất khẩu cao. Chúng tôi rất cần sự hợp tác của chính quyền, người dân. Hiện chúng tôi chuẩn bị nhập khẩu cây giống và phân để làm thí điểm ở vùng ven biển” – Ông Masanobu Nakamura khẳng định.
Phát triển nông nghiệp sạch, liên kết chuỗi giá trị hàng hoá nông nghiệp được ưu tiên thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tìm cơ hội. Những nỗ lực bước đầu tạo hiệu ứng lan toả cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân Quảng Ngãi. Trong hai năm qua, tỉnh Quảng Ngãi thu hút 54 dự án nông nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng. Tại các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, 21 dự án nông nghiệp chuyên canh trồng măng tây, rau củ quả sạch, chuỗi nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn từ 5 – 15 ha của doanh nghiệp bước đầu tạo diện mạo mới nông thôn.
“Nông nghiệp vẫn nhiều tiềm năng và cách sản xuất mới sẽ sinh ra lợi nhuận cao nếu biết cách làm. Người dân sống nhờ nông nghiệp còn rất lớn, hơn 60%. Có nghĩa là đầu tư nông nghiệp giải quyết an sinh rất tốt. Trong khi công nghiệp vẫn chưa lan toả hết trong dân thì đầu tư nông nghiệp là giải pháp lâu dài. Tôi cho là sự xoay trục đúng theo tinh thần mới” – Ông Trần Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức trăn trở.
Sự xoay trục thu hút đầu tư về nông thôn bước đầu mở ra cho tỉnh Quảng Ngãi có thêm hướng đi rõ ràng hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi hiện trạng đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nông hộ, khó khăn tích tụ ruộng đất tạo cánh đồng lớn để doanh nghiệp đưa cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
“Nông nghiệp cũng cần diện tích lớn, chính sách phải tốt hơn thì dễ thu hút nhà đầu tư. Phải quy hoạch vùng tập trung, nông nghiệp cũng cần đầu tư hạ tầng cho nên cần hỗ trợ cho doanh nghiệp phần này” – Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa chia sẻ.
“Nhà nước cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách thu hút nông nghiệp công nghệ cao, chính sách đặc thù về tín dụng, xây dựng hạ tầng, minh bạch về quy chuẩn chất lượng sản phẩm cần có chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên vốn để dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn” – Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị.