BVR&MT – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho rằng, phát triển du lịch xanh đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và các sản phẩm du lịch xanh luôn được du khách quan tâm, đón nhận.
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2019, chiều 27/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch xanh.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trong những năm qua, với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc…
Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp cần sử dụng nhiều tài nguyên, nhiều nguồn lực để phát triển, bao gồm cả tài nguyên tự nhiên và văn hóa. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế liên quan đến việc sử dụng lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch. Do đó phát triển du lịch xanh đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và các sản phẩm du lịch xanh luôn được du khách quan tâm, đón nhận”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, các chính sách phát triển, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển của kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cũng mong muốn các sáng kiến đóng góp của chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ tạo sức sống mới cho ngành Du lịch, tìm ra hướng đi, cách làm hay, hiệu quả thiết thực để các giải pháp phát triển du lịch thực sự đi vào cuộc sống.
Tại diễn đàn các đại biểu thảo luận về các vấn đề chung của du lịch xanh, trong đó nêu những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh ở một số nước và Việt Nam; xu hướng thế giới và tiềm năng phát triển ở Việt Nam; thực trạng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh ở Việt Nam; quan điểm của ADB đối với phát triển du lịch xanh ở Việt Nam…
Chia sẻ tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh những tiềm năng phát triển du lịch xanh, Việt Nam cũng có nhiều vấn đề và cần giải pháp để vượt qua khó khăn. Đó là nhận thức chưa đầy đủ và chưa thấy được tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh đối với phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh. Đồng thời sự thiếu thốn trong vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh; nhận thức của khách du lịch và việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp cũng là một thách thức thách thức cần phải vượt qua nếu Việt Nam muốn hướng tới du lịch xanh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, khái niệm du lịch xanh vốn không còn xa lạ với các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn thiếu những diễn đàn trao đổi về vấn đề này.
Theo ông Vũ Thế Bình, du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực vào bảo vệ đa dạng sinh học, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Và du lịch xanh góp phần phát triển bền vững.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cam kết Hiệp hội du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh du lịch xanh tại Việt Nam…