BVR&MT – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội vừa thông báo về ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 5.
Như vậy Hà Nội đã có các quận, huyện có ổ dịch: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Hoàng Mai và Sóc Sơn.
Theo đó, hộ ông Nguyễn Hữu Sáng tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn phát hiện thấy đàn lợn có dấu hiệu bất thường, ngay lập tức gia đình ông đi báo chính quyền địa phương. Sau khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho thấy đàn lợn của gia đình ông Sáng dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 24 con bằng biện pháp chôn theo quy định. Đồng thời tiến hành tổng tẩy uế môi trường, lập chốt kiểm soát chặt khu vực xuất hiện dịch.
Để phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Thú y Hà Nội hướng dẫn cách vệ sinh, khử trùng, tiêu độc như sau:
Đối với vùng dịch (xã, phường/thị trấn nơi có ổ dịch): Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc 1 lần/ngày trong 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
Đối với vùng dịch nguy cơ cao (vùng bị dịch uy hiếp – phạm vi 3km xung quanh ổ dịch): Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; sử dụng các thuốc khử trùng phổ rộng và pha đúng tỷ lệ, thực hiện đúng các bước như hướng dẫn.
Đối với vùng đệm (phạm vi 10km xung quanh ổ dịch): Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần, liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch.
Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương cần tiếp tục giám sát các cơ sở, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các cơ sở xuất hiện lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh. Hàng ngày cập nhật diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi trên cả nước và tổng hợp báo cáo theo quy định. Đồng thời kiểm tra, xử lý các ổ dịch đã xảy ra tại 5 quận, huyện (việc duy trì trực chốt, vệ sinh tiêu độc, vận chuyển lưu thông…). Tăng cường kiểm dịch vận chuyển lưu thông, tập trung ở các đầu mối, các cơ sở giết mổ; nhất là việc nhập lợn từ các tỉnh, thành về Hà Nội. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, không đúng theo quy định.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị bảo hộ lao động cho công tác phòng chống dịch bệnh; đảm bảo hỗ trợ kinh phí kịp thời khi phải tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất điều chỉnh giá hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Hoàng Tôn