BVR&MT – Là huyện đảo nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô không chỉ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh mà còn có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao đời sống của người dân trên đảo.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm gần các ngư trường lớn, Cô Tô có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản. Trong đó có nghề chế biến mực ống, sứa, cá duội… cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Chia sẻ về thương hiệu mực ống của đảo Cô Tô, Chủ tịch Hội Nghề cá đảo Cô Tô Bùi Văn Điển cho biết: Nhiều năm trước, do tập tính của loài mực này là sống ở gần chân rạn, đá, gốc chà, cho nên việc khai thác bằng các hình thức truyền thống như kéo, vây, rê, kém hiệu quả, rất dễ gặp sự cố và gây nguy hiểm cho người, phương tiện, chưa kể ảnh hưởng tài nguyên, môi trường biển. Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình khai thác mực bằng lồng bẫy. Với kinh nghiệm vốn có, kết hợp phương tiện máy móc hiện đại, ông Điển đã tiến hành khai thác liên tục trên các ngư trường chính là Cô Tô, Má Cháu, Sậu, Đuôi Chuột,… Sau năm tháng khai thác, tàu của ông đã đánh bắt được sản lượng hơn hai tấn, bình quân mỗi tháng thu lãi hơn tám triệu đồng. Mô hình khai thác này có nhiều ưu điểm như dễ làm, thân thiện với môi trường, có tính chọn lọc cao, đầu tư ban đầu không quá lớn, hiệu quả tốt và bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cùng UBND huyện Cô Tô chính thức triển khai Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô” với tổng kinh phí hơn ba tỷ đồng. Dự án hỗ trợ kinh phí đầu tư mô hình chế biến, tiêu thụ mực khô và mực “một nắng” mang nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô”, kết hợp làm điểm tham quan du lịch tại chỗ và bán các sản phẩm cho khách tham quan, du lịch. Ngoài ra, dự án cũng phổ biến, tập huấn thêm cho các hộ chế biến, kinh doanh khác ở địa phương các kiến thức về công nghệ chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Chỉ trong hai năm đầu, dự án đã cho hiệu quả cao. Tính đến năm 2018, với sự hỗ trợ của dự án, nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng được khu chế biến, phòng đóng gói, kho lạnh, hệ thống lò sấy, giàn phơi bảo đảm đúng quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích hàng trăm mét vuông.
Chị Phạm Thị Măng, trú tại khu 4, thị trấn Cô Tô cho biết, gia đình chị được lựa chọn làm đối tác trụ cột để triển khai dự án, hiện nay quy mô sản xuất thủy, hải sản của nhà chị đã lên đến 1.500 m2. Chị Măng chia sẻ: “Trước kia, gia đình chế biến mực khô, mực một nắng hoàn toàn bằng thủ công, cho nên không chủ động được nguyên liệu cũng như sản phẩm. Nghĩa là chỉ khi trời nắng mới làm, còn trời mưa và không phải vụ khai thác mực thì nghỉ. Chính điều này hạn chế rất nhiều việc mở rộng sản xuất của gia đình. Dự án triển khai đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của những hộ tham gia chế biến kinh doanh sản phẩm hải sản khô ở Cô Tô, từ chỗ thủ công đã chuyển sang hướng hiện đại hóa, áp dụng máy móc vào quá trình đánh bắt, nuôi trồng, chế biến cho đến bán hàng”.
Thấy được hiệu quả từ hộ gia đình chị Măng, nhiều hộ khác trên địa bàn huyện đã đến tham quan, học hỏi. Hiện, Cô Tô có hàng chục hộ làm nghề chế biến thủy sản khô; trong đó có sản phẩm mực khô và mực một nắng. Khi vào vụ, trung bình mỗi hộ chế biến được khoảng hai tạ mực khô và hai tạ mực một nắng/tháng. Song số sản phẩm này chủ yếu bán cho khách du lịch tiêu thụ tại chỗ hoặc đem về làm quà biếu.
Gần đây, khi con sứa bắt đầu trở thành loại “đặc sản” được nhiều người ưa chuộng thì chế biến sứa đã trở thành nghề thu nhập cao của người dân huyện đảo Cô Tô. Nhờ việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất thủ công truyền thống sang hướng hiện đại hóa, áp dụng máy móc đến 80% vào công đoạn khai thác và chế biến, chỉ trong thời gian ngắn, huyện Cô Tô đã trở thành “vựa sứa” lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, vào mỗi vụ sứa, huyện đảo nhỏ bé chưa đến sáu nghìn dân này đón khoảng hai nghìn lao động đổ về chỉ để phục vụ riêng cho khai thác và chế biến sứa. Toàn huyện hiện có gần 40 xưởng chế biến sứa đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm cho kịp thời vụ.
Năm 2018, sứa biển ở đảo Cô Tô vào mùa sớm hơn so với các năm trước, sứa được khai thác, chế biến chủ yếu tại khu vực ngư trường xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, có giá bán dao động từ 25.000 đồng đến 70.000 đồng/con. Mùa sứa kéo dài khoảng ba tháng, đem lại thu nhập cho người lao động tại các xưởng chế biến từ 10 đến 20 triệu đồng/người. Việc khai thác và chế biến sứa đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản của huyện Cô Tô, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho các hộ dân trên đảo.
Đầu tư chiều sâu
Khó khăn hiện nay là trên địa bàn huyện Cô Tô có khoảng 30 ha bãi triều trước đây giao cho các hộ nuôi nhưng đã hết hạn và thu hồi lại gồm các khu vực: hòn Mã Chấu, hòn Khoai Lang, hòn Núi Nhọn và một phần hòn Ba Đình – đảo Miếu (xã Thanh Lân); hòn Bảy Âm Dương, hòn Ngang (xã Đồng Tiến). Để giải quyết những khó khăn và bất cập; đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản của Cô Tô trong giai đoạn tới thì việc “Quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản huyện Cô Tô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với giai đoạn 1 thực hiện tại các khu vực nêu trên là rất cần thiết và cấp bách giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Huyện Cô Tô cũng đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh, các bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn của Chương trình Biển Đông – Hải đảo, nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kinh tế – xã hội, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến các khu du lịch, khu chức năng trên các đảo.
Huyện sẽ nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền áp dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào Cô Tô các chính sách ưu đãi nhất; áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác, vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vừa tạo động lực nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đến đầu tư tại vùng biển đảo Cô Tô; đề xuất cơ chế để các nhà đầu tư được miễn nộp tiền thuê đất và mặt nước trong 11 năm, kể từ ngày xây dựng hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động đối với mọi dự án đầu tư; miễn tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đào Văn Vũ cho biết: Thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tập trung phát triển toàn diện và hiện đại hóa ngành hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng cao, có sản phẩm đa dạng để xuất khẩu và phục vụ du lịch; kết hợp hài hòa giữa khai thác theo quy hoạch với phát triển nuôi biển và dịch vụ nghề cá; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững.