BVR&MT – Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn.
Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng lớn và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Mới đây, cuộc họp lần thứ 11 Nhóm công tác về ứng phó khẩn cấp thiên tai (EPWG) trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC (SOM1) và các cuộc họp liên quan năm 2017, nội dung này đã được đưa ra bàn thảo và nhất trí cơ bản về các khuyến nghị chuẩn bị cho Đối thoại Chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8/2017.
Thiên tai không theo quy luật
Theo báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển tăng nhanh trong vòng 100 năm qua, nhất là trong khoảng 25 năm gần đây. Tại Việt Nam trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 – 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ và biến đổi khí hậu đã làm cho những thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt.
Việt Nam hiện nằm trong danh sách những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Các kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 – 3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với thời kỳ 1980 – 1999.
Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập; trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 – 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – Ủy viên thường trực ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu. Thiên tai ngày càng diễn ra gay gắt, khốc liệt hơn và không theo quy luật. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề như hạn cực hạn, lũ cực hạn… Đây là những loại hình thiên tai trước kia rất ít khi phải đối phó nhưng đến nay phải tính đến phương án ứng phó.
Trong nông nghiệp, biến đổi khí hậu tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. Theo đó, thời gian thích nghi của cây trồng nhiệt đới mở rộng và của cây trồng á nhiệt đới thu hẹp lại; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.
Do tác động của biến đổi khí hậu, tài nguyên nước cũng phải chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị và sản xuất thủy điện. Chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, tăng mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Trương Minh Hoàng, mặc dù các kịch bản về biến đổi khí hậu đã có nhưng khi đưa vào thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, dẫn đến cảnh báo không sâu, không rộng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Chẳng hạn, mùa khô thì hạn nặng, mùa mưa thì kéo dài gây ngập lụt. Vùng đồng bằng sông Cửu Long thì khô hạn, xâm nhập mặn (chưa từng xảy ra như năm vừa qua) gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, nuôi trồng thủy sản.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, riêng năm 2016, cả nước có trên 1 triệu hécta lúa, hoa màu các loại bị thiệt hại bởi thiên tai. Sản lượng lúa đã giảm 1 triệu tấn do giảm diện tích và năng suất; ngô giảm 130.000 tấn; giá trị sản lượng ngành trồng trọt giảm 0,9% so với năm 2015. Theo dự báo, tác động của biến đổi khí hậu nhiều khả năng làm giảm 7,2 triệu tấn lúa gạo, ảnh hưởng đến 32% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ này.
Tái cơ cấu để thích ứng
Ông Trương Minh Hoàng bày tỏ, mặc dù Việt Nam đã có chiến lược quốc gia và đề ra các kịch bản về biến đổi khí hậu, nhưng việc triển khai đưa các chương trình thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chương trình, Nghị quyết chưa đảm bảo theo đúng tiến độ. Năng lực quy hoạch để có các giải pháp ứng phó còn yếu. Đơn cử như quy hoạch bà con trồng cây gì, nuôi con gì vào thời điểm nào và quy hoạch về thị trường tiêu thụ… là việc vẫn chưa làm được.
“Mình mới chỉ vận động được bà con nuôi trồng cái gì mà thôi. Bên cạnh đó, tình trạng xói lở tại khu vực phía Nam ngày càng trầm trọng. Tôi có đi khảo sát tại một số địa phương, nơi nào có kè thì đất xói lở ít, nơi nào không kè thì bị ảnh hưởng nhiều. Mỗi năm mất đi hàng trăm ha đất do xói lở.” – ông Hoàng nói.
Đối với ngành nông nghiệp, các giải pháp ứng phó đặc biệt là tái cơ cấu để thích ứng với biến đổi khí hậu đang được ngành tích cực triển khai. Công tác này cũng đòi hỏi phải dựa theo vùng miền để lập kế hoạch hành động và đặt ra các ưu tiên rõ ràng. Các phương án phát triển cơ sở hạ tầng được thiết kế và đầu tư trung hạn nhưng ngược lại một số hệ thống đê kè và cơ sở hạ tầng thiết yếu thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phải được ưu tiên trước để bảo vệ người dân và cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tại Việt Nam ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rõ rệt nhất là nguồn tài nguyên nước sẽ ngày càng giảm đi, trong khi 65% nguồn nước là lệ thuộc vào bên ngoài qua 2 hệ thống lưu vực (sông Hồng và sông Mê Kông).
Như vậy, nguồn tài nguyên nước đang thiếu là vấn đề đang đặt ra cùng với việc phải tổ chức sản xuất. Trong khi đó, lúa là cây tiêu thụ nước lớn nhất trong các loại cây trồng. Nếu một năm Việt Nam tiêu thụ 85 tỷ m3 nước cho hoạt động kinh tế; trong đó, 80% là cho nông nghiệp thì riêng cây lúa chiếm 80% của số này. Vì vậy, Việt Nam phải chuyển hướng giảm bớt một phần diện tích lúa sang cây trồng khác.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, trước thách thức của biến đổi khí hậu, để sản xuất thích ứng, Quốc hội cũng có chủ trương từng bước chuyển từ 600.000 – 800.000 ha đất trồng lúa sang trồng các đối tượng, cây trồng khác hiệu quả hơn như: cây ăn quả, thuỷ sản… nhưng phải trên nền tảng là đất sản xuất nông nghiệp và chỉ thay đổi đối tượng sản xuất. Điều này đã hoàn toàn đã chín muồi và phù hợp giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến thị trường thương mại của thế giới.
Bên cạnh đó, hiện nay, ngành nông nghiệp hiện đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tái cơ cấu của các địa phương đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Người dân và doanh nghiệp mong chờ những hành động thiết thực từ các cơ quan chức năng, bởi biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại từng ngày, từng giờ đến sinh kế của họ. Hiện, ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp, trong khi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế lại phân tán. Các dự án khi triển khai không có sự phối hợp với nhau, chưa có giải pháp mang tính đột phá.
Ông Đặng Kim Sơn nhận định, để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương cần xác định hình thức tổ chức sản xuất cho phù hợp với điều kiện của từng nơi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, nhấn mạnh việc đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Song song với đó, nên tập trung phát triển một số ngành hàng nông sản chính và một số ngành phụ trợ, cùng với xây dựng chuỗi giá trị và tạo động lực cho các tác nhân tham gia chuỗi. Chẳng hạn như: Đồng Tháp đã thành công với việc phát triển 5 mặt hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa cảnh, cá tra và vịt. Những chính sách ưu đãi đã thu hút số lượng doanh nghiệp tham gia vào các chương trình liên kết sản xuất – tiêu thụ không ngừng tăng lên, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3 – 4 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống.
Ông Đặng Kim Sơn cho rằng, quá trình xây dựng cần phải tính đến 3 vấn đề đó là lựa chọn khoa học công nghệ ứng dụng vào quá trình sản xuất, giải quyết sinh kế cho người dân và khơi thông các nguồn lực đầu tư. Cần xây dựng các mô hình thành công làm tiền đề thu hút doanh nghiệp, tổ chức quốc tế bỏ vốn đầu tư. Quan trọng nhất vẫn là giúp người nông dân trồng trọt, chăn nuôi bền vững, có đầu ra cho sản phẩm.
Ông Trương Minh Hoàng cho biết, ngay các giải pháp trên cũng cần sự thống nhất giữa các bộ, ngành để thực hiện đồng bộ các Nghị quyết của Quốc hội cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ thực hiện chiến lược của quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực, cảnh báo thiên tai. Ngoài ra, cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên các chương trình liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu như thế nào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đến thời điểm này nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp; nhất là quan tâm phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nhấn mạnh: “Những thể chế nào, chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn phát triển sẽ bị bãi bỏ ngay.
Về chiến lược phát triển phải xây dựng một nền nông nghiệp thông minh không chỉ ứng dụng công nghệ mà chuyển đổi sang mô hình có giá trị cao; vừa nghe “hơi thở” của nông dân, doanh nghiệp vừa nghiên cứu xu hướng của thời đại để tiếp tục tổ chức sản xuất phù hợp với thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu”.