BVR&MT – Ngày 20/2, Tạp chí Nature đăng tải bình luận của tác giả Mike Muller cho rằng các con đập tốt cho khí hậu và nên được tài trợ thông qua Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) – một đề xuất sẽ được 500 nhà tài chính toàn cầu thảo luận tại Luân Đôn trong ngày hôm nay (5/3). Tuy nhiên, ý kiến của Cố vấn CBI kiêm Giáo sư trợ lý thỉnh giảng tại Đại học Witwatersrand, Nam Phi đã bị nghiên cứu của Philip M. Fearnside chứng minh là không có cơ sở.
M. Fearnside cho rằng bài viết của Muller hoàn toàn sai lệch, đặc biệt là đối với các dự án thủy điện xây dựng ở khu vực nhiệt đới – nơi các hồ chứa phát thải nhiều hơn các vùng khí hậu khác – bởi các đập nhiệt đới thải ra một lượng lớn khí nhà kính nhưng số liệu khí phát thải lại thường được nói giảm đi.
Việc cho rằng các con đập nên trở thành đối tượng nhận tín dụng các-bon trong các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu là một sai lầm, không chỉ vì lượng khí thải không thể đo đếm được của chúng mà còn vì chúng làm cạn dòng tiền “xanh” từ các biện pháp giảm thiểu thay thế. Đặc biệt, các con đập luôn được xây dựng mà không cần đến tín dụng các-bon bởi các chính phủ xây chúng vì những lý do không liên quan gì đến giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo M. Fearnside, Muller đã giảm nhẹ trách nhiệm của các con đập trong việc phát thải khí nhà kính và thổi phồng lợi ích của chúng trong việc giảm phát thải.
Muller chỉ ra lợi ích của việc giữ nước lũ trong các hồ chứa thủy điện thay vì để lũ chảy về các vùng đất ngập nước tự nhiên ở hạ nguồn và tạo ra khí mê-tan (CH4). Ông dẫn chứng vùng đất ngập nước ở Mozambique được giảm lũ nhờ hai con đập vùng cao. Thậm chí, Muller đề xuất áp dụng rộng rãi cho các khu vực ngập lụt theo mùa rộng lớn ở Amazon và Congo.
Tuy nhiên, M. Fearnside cho rằng lập luận của vị Cố vấn CBI thiếu đánh giá về yếu tố quy mô vì Amazon là con sông lớn nhất thế giới về lưu lượng nước trong khi Congo chỉ bằng 20% lưu lượng Amazon.
Liên quan đến vấn đề phát thải, Muller tuyên bố “các hồ chứa nên được coi là nơi tiềm năng để lưu trữ các-bon” và rằng nếu một con đập không được xây dựng thì một phần các-bon vẫn được vận chuyển về xuôi và phát thải vào khí quyển.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hình thức mà các-bon được phát thải dưới dạng CO2 hay CH4. Nước chảy xuống sông Amazon phát thải ra một lượng lớn CO2 trong khi khí thải từ các đập thủy điện chủ yếu là CH4, một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều so với CO2.
Tác giả Muller cũng chỉ trích các nhà nghiên cứu không phân biệt được nguồn các-bon phát ra từ các hồ chứa, ngụ ý rằng nếu các-bon được phát ra từ hồ chứa ở thượng nguồn thì không thể đổ lỗi khí thải cho đập được vì nó vẫn phát ra dù có đập hay không. Một phần các-bon này thực sự đã được phát thải ở hạ nguồn và đúng là chúng ta cần nghiên cứu sự cân bằng các-bon của toàn bộ lưu vực sông (bao gồm các cửa sông, nơi các-bon từ sông chảy vào đại dương) và xác định hiệu ứng ròng của các con đập.
Tuy nhiên, khi các nghiên cứu như vậy trở nên có sẵn, kết quả có thể không thuận lợi đối với các đập mà Muller tin tưởng dẫn chứng. Thậm chí, tác động đối với khí hậu của các con đập còn tồi tệ hơn do khí thải phát ra từ những con đường được xây dựng để đến vị trí đập mới – một tác động thường không được tính đến. Đây sẽ là hậu quả chính mà chính quyền Brazil phải đối mặt khi đề xuất dự án xây đường cao tốc đến một khu vực không thể tiếp cận ở phía bắc sông Amazon – nơi có tới 15 con đập được lên kế hoạch, bắt đầu từ đập Cachoeira Porteira gây tranh cãi.
Đáng chú ý là Muller trình bày một đồ họa không được tham chiếu để so sánh lượng phát thải trong vòng đời từ các nguồn điện khác nhau, kết quả cho thấy phát thải từ thủy điện thấp hơn tất cả các lựa chọn khác trừ năng lượng hạt nhân và điện gió.
Tuy nhiên, có lẽ điều này phản ánh mức phát thải trung bình cho các đập hiện có (chủ yếu ở khu vực ôn đới) chứ không phải là các đập trong tương lai (phần lớn ở khu vực nhiệt đới) và dựa trên cách tính toán tác động của CH4 theo hướng đây là “một loại khí nhà kính mạnh hơn CO2 20 lần”. Điều này ám chỉ giá trị Tiềm năng nóng lên toàn cầu (ký hiệu là GWP*) trong 100 năm của khí mê-tan là 21 theo báo cáo đánh giá thứ hai của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) vào năm 1995. Vấn đề là chúng ta không có 100 năm để kiểm soát sự nóng lên toàn cầu.
Kết quả sẽ rất khác nếu Muller sử dụng các giá trị cao hơn nhiều từ báo cáo gần đây nhất, đặc biệt là GWP của 20 năm có liên quan nhất để giữ cho nhiệt độ toàn cầu nằm dưới giới hạn trong Thỏa thuận chung Paris: giá trị GWP có liên quan để chuyển đổi CH4 thành tương đương CO2 sẽ là 86, nhiều hơn gấp 4 lần tác động của khí mê-tan từ các đập nhiệt đới.
Vòng đời phát thải được nhấn mạnh bởi Muller là do các nguồn thông tin thiếu chính xác khác từ góc độ chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu. Các phân tích vòng đời thường cho rằng tuổi thọ hữu ích của các đập là 100 năm, tác động được tính toán bằng cách tính tổng lượng phát thải trong suốt vòng đời của đập rồi chia cho 100 năm. Vấn đề là một con đập nhiệt đới tạo ra một lượng phát thải khổng lồ trong vài năm đầu tiên sau khi tích nước đầy hồ chứa, sau đó là mức phát thải thấp hơn (nhưng không phải bằng 0) trong những năm còn lại.
Nếu chúng ta muốn giữ nhiệt độ toàn cầu trong giới hạn của Thỏa thuận chung Paris thì điều quan trọng là kiểm soát khí thải phát ra trong 20 năm tới chứ không phải trong một thế kỷ trong tương lai, nhất là khi trong xu hướng hiện tại, giới hạn cam kết của Hiệp định Paris đã bị vượt qua. Điều này có ý nghĩa hơn khi nhìn vào thực tế là các đập nhiệt đới phát ra CH4 có tác động chủ yếu trong những năm này và đó là thời điểm quan trọng để ngăn chặn biến đổi khí hậu. IPCC ước tính tuổi thọ trung bình của CH4 là 12,4 năm trong khi CO2 là khí chính được phát ra từ các giải pháp thay thế khác, có tác động trung hòa hơn nhiều trong một giai đoạn dài hơn khoảng mươi lần.
Muller gọi thủy điện là “năng lượng rẻ” hoặc “nguồn điện có giá cả phải chăng”. Tuy nhiên, chuyện hoang đường này đã được Ansar và đồng nghiệp bóc trần một cách hiệu quả khi đánh giá thủy điện trên toàn thế giới cho thấy thường một con đập có giá cao hơn nhiều và mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu sản xuất điện khi lập kế hoạch.
Đặc biệt, thủy điện cũng không phải là “rẻ” theo quan điểm của chi phí phi tiền tệ: nó có tác động xã hội và môi trường rất lớn so với những lựa chọn khác.
Với những lập luận đưa ra để phản bác quan điểm của Muller về vai trò của thủy điện đối với giảm thiểu biến đổi khí hậu, tác giả Philip M. Fearnside hy vọng các nhà tài chính sẽ có đủ thông tin trước khi thảo luận về ưu đãi dành cho thủy điện.
Nhật Anh (Theo Mongabay.com)
* GWP: Giá trị thể hiện khả năng làm trái đất nóng lên của khí nhà kính, quy về theo giá trị của CO2 (Giá trị GWP của CO2 là 1)