BVR&MT – Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sạch, bền vững đang là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp huyện Xuân Lộc. Hướng đi này dã mang lại hiệu quả cao và được nhiều doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng tích cực.
Xuân Lộc là một huyện thuần nông, nằm trong vùng khí hậu gió mùa cận xích đạo nên rất ôn hòa. Diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn huyện khoảng 60.000 ha, trong đó hơn 25.000 ha là đất đỏ ba-zan, số còn lại là các vùng đất đen pha sỏi cơm màu mỡ. Phát huy lợi thế này, huyện Xuân Lộc đã xây dựng 4 vùng ản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả, cây có múi, rau màu,…
Huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống lưới điện, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng vào các vùng sản xuất và xây dựng 3 công trình thủy lợi lớn đáp ứng nhu cầu nước tưới cho các cánh đồng: Gia Ui 1, Núi Le, Gia Măng với dung tích chứa khoảng 20 triệu m3 nước. Đồng thời lập kế hoạch đầu tư thêm 2 công trình thủy lợi là Gia Ui 2 và Trạm bơm La Ngà phục vụ cho hàng ngàn ha cây trồng thuộc các xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao, Xuân Trường, Xuân Hưng, Xuân Hòa.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho hay: “Năm 2014, Xuân Lộc xây dựng thành công nông thôn mới trên nền tảng kinh tế nông nghiệp. Trong những năm trước đó, phong trào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, thâm canh tăng vụ diễn ra mạnh mẽ, hầu hết những cây trồng giống cũ, cho năng suất thấp hoặc giá trị kinh tế không cao được người dân chuyển đổi sang các loại giống mới cho hiệu quả cao hơn. Tính đến nay, tỷ lệ sử dụng giống mới đối với cây trồng ngắn ngày của huyện đạt 100%; cây lâu năm đạt xấp xỉ 89%; Đối với diện tích cây trồng áp dụng tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống đạt gần 43%; Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch cũng đạt từ 98%-100%. Nhiều sản phẩm của huyện đã được cấp giấy chứng nhận sạch như Vietgap, Global Gap như: xoài Suối lớn; cam, quýt Sapi, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa hay các sản phẩm rau củ quả của hợp tác xã Trường An; Trang Trại Việt (Viet farm),…”.
Bà Cát Tiên cũng cho biết thêm, Xuân Lộc tiếp tục được Trung ương chọn là 1 trong 4 địa phương thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt là xây dựng hình mẫu về một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Hiện nay, huyện cũng đang tập trung kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư cũng như khuyến khích nông dân tham gia vào dự án cánh đồng lớn để nâng cao năng lực sản xuất, tạo đầu ra vững chắc cho các sản phẩm nông nghiệp.
Trang trại Việt đang là trong những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tại Xuân Lộc hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu thị trường đối với thực phẩm sạch doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng vào việc xây dựng hệ thống nhà màn, sản xuất rau theo tiêu chuẩn Global gap. Đến nay 100% các sản phẩm của Trang trại Việt như: cà chua, ớt chuông, dưa lưới, xà lách pháp,…đều được cung cấp vào các bếp ăn cao cấp của những khách sạn lớn tại thành phố Hồ Chí Minh với giá từ 8-10 lần so với bình thường.
Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Việt cho biết: sắp tới, doanh nghiệp sẽ nâng quy mô sản xuất từ 15 nhà màn lên 50 nhà màn, mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau sạch các loại. Trang trại Việt đang hướng đến thị trường xuất khẩu vào Nhật Bản.
Cùng với sự kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào ngành nông nghiệp, Xuân Lộc còn tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm để các doanh nghiệp và người nông dân có thể gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với nhau. Theo đó, doanh nghiệp có thể cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; hoặc cùng đầu tư vốn, máy móc nông cơ với người nông dân để sản xuất.
Điển hình của sự hợp tác này là công ty sản xuất trứng gà sạch Thanh Đức, xã Xuân Phú. Với quy mô chăn nuôi lớn khoảng 250.000 con gà đẻ, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 500 tấn lúa, bắp các loại. Trong năm 2018, Công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua máy móc nông cơ hợp tác với người nông dân sản xuất. Sau thu hoạch, doanh nghiệp tổ chức thu mua lại nông sản cho bà con với giá tương đương hoặc cao hơn giá thị trường. Bà Lâm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Đức cho biết, để phục vụ sản xuất cho khoảng 50 ha, trước mắt Thanh Đức mới chỉ đầu tư các loại máy cày, máy xới, máy cấy,… Trong thời gian tới, công ty sẽ trang bị thêm trực thăng để phun xịt thuốc cho cánh đồng,…
Bà Lê Thị Hiệp – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Xuân Lộc cho biết: “Đến nay, Xuân Lộc đã hình thành được 07 Dự án với nhiều loại cây trồng chủ lực của địa phương như: hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, điều và các loại lúa, bắp… Trong đó có hơn 10 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap như: xoài suối lớn, chuối xuân bắc, cà chua, dưa lưới tại xã Xuân Trường hay sầu riêng tại hợp tác xã Xuân Định. Đến nay địa phương đã có 21 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, 2 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm heo, gà sạch và 27 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch tiêu biểu. Hiện nay, địa phương cũng đang tiếp tục thương thảo với Tập đoàn Vincom và các tập đoàn của Nhật Bản để đầu tư vào nông nghiệp sạch của huyện”.
Mục tiêu của Xuân Lộc hướng đến năm 2020 sẽ có ít nhất 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Theo đó, sẽ có trên 80% cơ sở sản xuất hàng hóa có thị trường tiêu thụ ổn định; tỷ lệ nông sản sạch phải đạt trên 60%, trong đó có từ 10-20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global Gap để xuất khẩu. Từ đó, từng bước nâng cao giá trị thu nhập ngành nông nghiệp huyện từ 129 triệu đồng/ha/năm 2017 lên 180 triệu đồng/ha/năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/người/ năm.
Với sự quyết tâm và hướng đi đúng đắn, huyện Xuân Lộc đang đặt kỳ vọng về tương lai của ngành nông nghiệp địa phương, đây cũng sẽ là đơn vị điển hình để Chính phủ đánh giá, nhân rộng đối với các địa phương khác trong cả nước.
Phương Nam