BVR&MT – WWF Việt Nam vừa công bố Báo cáo Các loài mới được phát hiện với thông tin khá thú vị – các nhà khoa học trên thế giới trong năm 2017 đã phát hiện được 157 loài mới tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông Mở rộng, trong đó có 58 loài được tìm thấy tại Việt Nam, 39 loài tại Myanmar, Thái Lan đóng góp 35 loài, Lào 24 loài và Campuchia 8 loài.
Trong số 157 loài thì có 3 loài động vật có vú, 23 loài cá, 14 loài động vật lưỡng cư, 26 loài bò sát và 91 loài thực vật được phát hiện tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc cứ một tuần ba loài mới được phát hiện trong khu vực trong năm 2017.
Ông Stuart Chapman, Giám đốc Bảo tồn của khu vực châu Á Thái Bình Dương khẳng định “còn rất nhiều loài đang chờ các nhà khoa học phát hiện và cũng thật đáng buồn là nhiều loài khác sẽ biến mất trước khi được phát hiện. Mọi chuyện không nhất thiết phải diễn ra theo cách đó. Khu vực Mê Kông có thể bảo tồn sự đa dạng các loài độc đáo của mình bằng cách thiết lập các khu bảo tồn rộng lớn cho các loài hoang dã, cùng với việc tăng cường nỗ lực đóng cửa các thị trường buôn bán động thực vật hoang dã”.
Theo cảnh báo trong Báo cáo Hành tinh sống của WWF mới đây, trong vòng 40 năm qua, quần thể các loài động vật hoang dã đã giảm 60%, đặc biệt, tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông Mở rộng, sự sụt giảm quần thể các loài còn tệ hơn bởi sinh cảnh của các loài hoang dã bị phá huỷ trên diện rộng và ở nhiều nơi trong khu vực, việc săn bắt trái phép vẫn diễn ra ở quy mô công nghiệp.
Thậm chí, tại các khu chợ Vùng Tam giác Vàng, nơi giáp ranh giữa Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc, các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao được bày bán công khai hoặc vận chuyển tới các quốc gia láng giềng có nhu cầu cao về sản phẩm các loài động vật hoang dã.
PV