BVR&MT – Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo ”Nâng cao kỹ năng truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức ngày 19/11/2018.
Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Phan Tùng Mậu – PCT và ông Đặng Vũ Cảnh Linh – Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức LHHVN (TT&PBKT) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Hội ngành toàn quốc trực thuộc LHH.
Thời gian qua, LHHVN đã tích cực thực hiện hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức (thông qua xuất bản báo, tạp chí; biên soạn sách, tài liệu, tờ rơi; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tham gia các hoạt động giáo dục và đào tạo; thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình phổ biến kiến thức; triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo; tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường,…), góp phần đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, nâng cao dân trí, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động TT&PBKT KH&CN là một loại dịch vụ công. Nhà nước lại chưa có trách nhiệm đầu tư, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, trong đó LHHVN là nòng cốt. Đáng tiếc là chủ trương chưa đạt được sự thống nhất về nhận thức và hành động, đầu tư rất thấp.
Ngoài ra, điều kiện về nhân lực còn mỏng, chính sách chưa quyết liệt, kinh phí đầu tư thấp, vì thế các hoạt động TT&PBKT KH&CN do các tổ chức thành viên thực hiện nói chung chưa phong phú, chưa thu hút được sự tham gia thường xuyên đông đảo của cộng đồng là đối tượng thụ hưởng, chịu tác động, chưa bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết nên hiệu quả chưa cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, phải coi trọng vai trò công tác truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ như một công cụ hữu hiệu, một “loa thông tin” trong công việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức của ngành, phục vụ cho công tác Hội rất có hiệu quả. Công tác truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ đối với các chi hội, liên chi hội của Hội phải thúc đẩy thông tin tri thức, lan tỏa từ TW đến các địa phương, đến các tổ chức và hội viên, làm thay đổi nhận thức và hành động trong toàn Hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, công tác truyền thông phổ biến kiến thức KHCN của các đơn vị trực thuộc Hội chưa thực sự chủ động kết nối với các đơn vị truyền thông, chưa có kế hoạch dài hạn mà còn tùy hứng. Đài, báo cần gì thì họ đến liên hệ và Hội sẵn sàng đáp ứng chứ chưa có những bàn bạc, lên kế hoạch trước về một kế hoạch truyền thông giữa Hội và các đơn vị truyền thông quốc gia, báo, đài. Bởi thế, những thành công của chúng tôi tuy rất đa dạng nhưng chưa có điều kiện phổ cập tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng. Vẫn còn các đơn vị trực thuộc Hội hoạt động dựa dẫm, thậm chí không hoạt động, chưa thực sự phát huy hết nội lực của chính mình…
Kết thúc hội thảo, ông Phan Tùng Mậu đánh giá cao các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các đại biểu đến từ các Hội ngành Trung ương. LHHVN sẽ tổng hợp, hoàn thiện làm tiền đề để triển khai Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa do Chính phủ chỉ đạo. Đây là Đề án do Chính phủ phê duyệt nhằm xây dựng một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.
Hậu Thạch