BVR&MT – Dự án gắn với bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản nhằm cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, giảm phát thải nhà kính, giảm nguy cơ sạt lở và xâm nhập mặn.
Thanh Hóa đầu tư 93 tỷ đồng trồng, phục hồi rừng ven biển. |
Tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định dành 93 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc ngân sách Trung ương, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác để thực hiện dự án trồng, phục hồi rừng ven biển 2 huyện Hậu Lộc và Quảng Xương.
Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành dự án này là 4 năm, từ năm 2019-2022.
Dự án trồng, phục hồi rừng ven biển huyện Hậu Lộc, Quảng Xương gắn với bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản nhằm cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, giảm phát thải nhà kính, giảm nguy cơ sạt lở và xâm nhập mặn; đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Dự án có quy mô trồng mới và chăm sóc 228 ha rừng ngập mặn trên đất quy hoạch rừng phòng hộ. Trồng rừng ngập mặn sẽ giảm sóng, ổn định bãi, bảo vệ tuyến đê biển, đê cửa sông của hai huyện nói trên.
Ngoài việc trồng rừng ngập mặn, dự án còn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng lâm sinh để bảo vệ rừng ven biển, gồm kè chống xâm thực ổn định bờ biển, tường mềm giảm sóng và ổn định bãi bồi, hàng rào bảo vệ cây trồng mới, chòi canh, nhà tránh trú bão cộng đồng…
Trong số này có 1 khu nhà tránh trú bão cộng đồng sẽ được xây dựng tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) với khu nhà chính 2 tầng có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 500 m2, khu nhà phụ, cùng các hạng mục khác như khuôn viên, bể nước, tường rào. Ngoài ra, 5 chòi canh gác bảo vệ rừng dạng nhà khung bê tông cốt thép chịu lực cũng sẽ được xây dựng tại 3 xã Minh Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc của huyện Hậu Lộc.
Từ năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, trong đó, nhiều dự án thành phần đã và đang đầu tư như: Trồng rừng sản xuất WB3, trồng rừng 147, phục hồi và phát triển hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển…
Hiện, Thanh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ngập mặn các huyện ven biển 1.543 ha, trong đó, đất có rừng ngập mặn 967 ha, đất chưa có rừng 228 ha, diện tích nuôi ngao kém hiệu quả rà soát đưa vào trồng rừng 150 ha…
Trung bình mỗi năm Thanh Hóa phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ 4-5 cơn bão lớn. Việc hỗ trợ trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, gia tăng chức năng phòng hộ chắn sóng, tác động của triều cường và nước biển dâng, giảm đáng kể các thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.