Mê Công – điểm xung đột sinh thái và địa chính trị trong tương lai?

BVR&MT – Là mệnh mạch của khu vực Đông Nam Á và là nguồn cung ứng dưỡng chất cho hàng triệu cư dân, Mê Công – con sông dài thứ mười hai trên thế giới – đang nổi lên như một điểm bùng phát xung đột sinh thái và địa chính trị, nhất là khi sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực ngày một rõ rệt. Bình luận của Chuyên gia Brijesh Khemlani – nhà phân tích tại Băng Cốc chuyên về các vấn đề Đông Nam Á – đăng trên trang RUSI (Royal United Services Institute) sẽ đề cập rõ hơn câu chuyện này.

Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS) diễn ra ở Băng Cốc hồi tháng 6, các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã đồng ý thành lập quỹ hạ tầng khu vực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn của người láng giềng phương Bắc.

Sông Mê Công đoạn gần vị trí xây đập Pak Beng, con đập có công suất lắp đặt 912 MW do Trung Quốc thiết kế và đầu tư (Ảnh: Wikimedia/RUSI)

Nhật Bản và các nước phương Tây từng là các nhà đầu tư chính ở ASEAN nhưng hiện nay, vị trí này nhường lại cho Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng một cách đáng kể khắp tiểu vùng Mê Công. Bắc Kinh đã đổ vào khu vực này hàng triệu đô la để xây dựng các đập thủy điện mới, gây nguy hiểm cho dòng máu kinh tế của khu vực. Một loạt các dự án đập do Trung Quốc hậu thuẫn cả ở thượng nguồn và hạ lưu đang đe dọa vựa lúa thịnh vượng thành một vùng hoang dã nghèo khổ.

Các nhà môi trường cảnh báo việc tiếp tục phát triển thủy điện sẽ ảnh hưởng đến ngư nghiệp và hệ sinh thái tổng thể, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo trong khu vực. Sông Mê Công đã chứng kiến ​​sự suy giảm trữ lượng cá và trầm tích, tác động xấu đến vùng hạ lưu trồng lúa, chưa kể đến việc mất đi sinh kế truyền thống và bản sắc văn hóa của các cộng đồng ven sông.

Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế, trong số 11 con đập được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính ở hạ lưu Mê Công thì có tới 6 đập được Trung Quốc hậu thuẫn, tập trung ở Lào và Campuchia. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất nhì tại Campuchia, Lào. Trong đó, Lào đang xây dựng một số đập lớn dọc sông Mê Công, bao gồm đập Pak Beng (công suất lắp đặt 912 MW, do Trung Quốc lĩnh xướng) – con đập gây rất nhiều quan ngại về tác động môi trường đối với các cộng đồng địa phương và nghề cá.

Ở hạ lưu phía Campuchia, các nhà hoạt động cũng đang chống lại một con đập lớn của Trung Quốc mang tên Sambor – dự án được dự báo có thể hủy diệt ngành thủy sản Mê Công và xóa sổ gần 80 cá thể cá heo Irrawaddy, loài sinh vật đang bị đe dọa nghiêm trọng và là một biểu tượng quan trọng của Mê Công cũng như đa dạng sinh học nổi bật của dòng sông.

Song song với việc đẩy mạnh các dự án thủy điện là chính sách thâu tóm nguồn nước ở thượng nguồn Mê Công, thậm chí chiêu bài này có thể được Bắc Kinh sử dụng như một đòn bẩy chiến lược để đạt được các mục tiêu chính trị. Bắc Kinh tuy chấp thuận xả nước từ một con đập ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam để giúp Việt Nam giảm thiểu hạn hán nghiêm trọng vào năm 2016, song hành động “nhân đạo” này cũng là một lời nhắc nhở thấm thía đối với Việt Nam cùng các quốc gia hạ lưu vực.

Nằm trong tham vọng kiểm soát Mê Công thông qua các nguồn lực ngoại giao và kinh tế, năm 2014, Bắc Kinh thiết lập một thiết chế mới mang tên Hợp tác Mê Công – Lan Thương (LMC) và điều đáng quan ngại là LMC gần như lấn át được Ủy hội sông Mê Công (MRC) trong việc định hình các quy tắc hợp tác trong khu vực. Khi Trung Quốc từ chối tham gia MRC, tổ chức này gần như bị tê liệt. Mặc dù vậy, tất cả vẫn chưa phải là bế tắc.

Dù không thể đưa ra bất kỳ thách thức nào đối với Trung Quốc, song các quốc gia hạ lưu vực có thể áp dụng một số biện pháp để thúc đẩy phát triển công bằng và nâng cao vị thế khi thương lượng với Trung Quốc.

Trước tiên, cần tăng cường các diễn đàn đa phương như MRC, Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Sáng kiến hạ lưu Mê Công và ACMECS… theo hướng thúc đẩy trao đổi nhiều hơn với các đại diện xã hội dân sự và các nhà nghiên cứu nhằm thảo luận, chia sẻ về các dữ liệu, mô hình quản lý tốt ở Mê Công.

Bên cạnh đó, các quốc gia trong lưu vực cũng cần kết nối chặt chẽ về mặt chính trị nhằm tạo đòn bẩy và tìm được sự đồng thuận trong việc thực hiện các sáng kiến khu vực, vì một chính sách rời rạc sẽ dễ dàng bị Bắc Kinh thao túng.

Nhật Anh (Theo RUSI)

Tags:
CHIA SẺ