BVR&MT – Sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái, 72 doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đã tiết kiệm được hơn 70 tỷ đồng nhờ tiết giảm được lượng chất thải ra môi trường.
Ảnh minh họa |
Giảm lượng chất thải, tiết kiệm hơn 70 tỷ đồng
Tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có 326 KCN, khu chế xuất. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp đang gây ra nhiều thách thức đối với môi trường và sức khỏe con người. Hiện nay, 13% các KCN đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 18% chất thải công nghiệp là chất thải nguy hại. Phần lớn các KCN sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát thải bẩn và nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN.
Chính vì vậy, việc xây dựng, hình thành mô hình KCN sinh thái là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ.
Theo đuổi Chiến lược xanh hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và giảm phát thải, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam với tổng vốn viện trợ không hoàn lại trên 4,5 triệu USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) được thực hiện trong thời gian 2015-2018.
Dự án có mục đích chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái, triển khai thí điểm tại 3 KCN của Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại mỗi KCN thí điểm, các công ty phối hợp với nhau và phối hợp với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động không tích cực tới môi trường và giảm chi phí sản xuất.
Tham gia dự án, DN được hỗ trợ đổi mới công nghệ theo quy trình hoàn thiện. Cụ thể: Đánh giá về sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và quản lý hóa chất; tư vấn và hỗ trợ lập hồ sơ vay vốn để đối mới công nghệ theo quy định của tổ chức tín dụng; vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính có cam kết tài trợ cho dự án và các tổ chức khác có liên quan; hoàn trả tối đa 35% giá trị khoản vay từ Quỹ Tín dụng xanh của SENCO và các quỹ khác của GEF.
Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của DN được tham gia các hoạt động đào tạo tăng cường năng lực trong khuôn khổ dự án như đào tạo về công nghệ sản xuất sạch hơn, về phương thức sản xuất…
Giảm tác động môi trường tiêu cực
Không chỉ đem lại lợi ích cho DN và hoạt động công nghiệp, dự án còn góp phần cải thiện hiệu quả tài nguyên, thông qua việc giảm sử dụng nguyên liệu thô, nước và năng lượng. Dự án làm giảm tác động môi trường tiêu cực của các KCN, cải thiện tình hình môi trường ở các vùng lân cận, cải thiện sức khỏe người lao động, cũng như chất lượng cuộc sống cho cộng đồng bằng việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Bộ KH&ĐT) Trần Duy Đông, đây là dự án đa lĩnh vực công nghiệp đầu tiên của Việt Nam được tài trợ bởi GEF cho các lĩnh vực như quản lý hóa chất, giảm biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế. Mặc dù còn nhiều rào cản, nhưng kết quả của Việt Nam đã được các tổ chức, quốc gia thành viên GEF đánh giá cao, đồng thời thể hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững.
Bà Trần Thanh Phương, Quản lý Dự án quốc gia về các KCN sinh thái cho biết: Chỉ sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình KCN sinh thái, 72 DN tại các KCN ở Đà Nẵng, Cần Thơ và Ninh Bình đã tiết kiệm được hơn 70 tỷ đồng nhờ tiết giảm được lượng chất thải ra môi trường cũng như tận dụng hiệu quả tài nguyên để sản xuất sạch hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình mới về tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa trên nền kinh tế tuần hoàn. KCN sinh thái là một mô hình của nền kinh tế tuần hoàn tức là hướng đến một nền kinh tế khép kín, đầu thải ra của một cá thể trong nền kinh tế này thì có thể được sử dụng một cá thể khác trong nền tế, góp phần giảm thiểu chất thải ra môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hoạt động sản xuất trong KCN”, bà Trần Thanh Phương chia sẻ.
KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) là một thí điểm thành công của dự án chuyển đổi sang KCN sinh thái. Đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia dự án đối với nhóm 8 DN đang hoạt động tại đây cho thấy, toàn bộ các công ty chọn thí điểm chuyển đổi đã tiết kiệm được năng lượng điện từ 5-10%, nước tiết kiệm được 3-5%, giảm thải CO2: 510,1 tấn/năm; COD: 95 kg/năm; Teq PCDD/F: 51,1 µg/năm
Theo ông Lê Hoàng Đức, Phó Trưởng ban Ban Quản lý KCN và chế xuất Đà Nẵng, 18 DN ở KCN Hòa Khánh đang thực hiện mô hình Cộng sinh công nghiệp với 6 giải pháp cộng sinh (nhiệt, nước, chất thải rắn). Các DN đã bước đầu thực hiện các bước của chu trình những thứ thải ra của DN này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho DN kia, hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho DN “hàng xóm”.