BVR&MT – Chưa chắc có ai đã thử đặt câu hỏi, đời sống người dân vùng cao sẽ như thế nào khi thiếu vắng bóng dáng cũng như những gánh hàng của họ. Câu trả lời thật khó! Những người buôn bán này họ tìm đến tận những vùng quê xa xôi, bán những thứ thật cần thiết cho người dân quả thật là một lực lượng đông đảo.
Nghề đi buôn đường rừng đang là nghề thịnh hành ở vùng biên huyện Tây Giang (Quảng Nam). Có người phất lên trông thấy từ nghề buôn. Nhưng cũng có người là cha hoặc mẹ phải bỏ mạng nơi nước sâu, rừng thẳm, và muôn vàn khó khăn nay lại đè lên vai những người ở lại. Thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh, lúc nào họ cũng mang trong mình một nỗi lo lắng trên chặng đường ngược xuôi buôn bán.
Trên đoạn đường qua 4 xã vùng cao khu 7, huyện Tây Giang (Quảng Nam) thời điểm lúc nửa đêm về sáng đã nhộn nhịp xe máy qua lại. Dù ánh đèn và tiếng còi xe nhấn vội của dân buôn đường rừng chưa thể xua đi bóng tối của đêm tàn vùng biên, nhưng đây là lúc họ bắt đầu công việc của mình với những chuyến xuyên rừng, vượt suối đi buôn.
Mấy chục năm qua, họ đã gắn với đời mình nghề buôn thúng bán bưng, cọc cạch xe đạp, chật vật xe máy cà tàng khắp hang cùng ngõ hẻm phố thị, khắp những miền đồng quê khó nghèo, hay vùng biên viễn xa xôi. Họ chính là những người giúp cho hàng hóa, vật dụng đến được khắp mọi nơi. Từng đoàn những chiếc xe máy chở lặc lè hàng hóa chuyên cung cấp cho các bản làng vùng sâu vùng xa, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà hàng hóa dọc vùng biên giới vô cùng khan hiếm.
Những nơi có dấu xe của công ty “hai sọt” như thế này thường là các con đường làng bé tí, lắm ổ voi ổ gà hay những chiếc cầu treo nhỏ hẹp… mà xe hàng lớn, ô tô không thể nào đi được. Ở đó, mỗi ngày chiếc xe máy cà tàng chở đa dạng các mặt hàng vẫn bon bon trên muôn nẻo đường heo hút.
Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng ở huyện, họ phải đi từ khi mọi người mới đi ngủ và ra về lúc trời vừa rạng. Cái lạnh buốt của đêm không làm ngại bước dù họ là phụ nữ. Thức dậy từ 2h sáng, mua tất cả các loại hàng hóa có thể bán được rồi đi vài chục tới cả trăm km từ khi trời còn chưa sáng vào các bản làng xa xôi heo hút. Những nguy hiểm, những chuyện không thể ngờ và cả những sẻ chia với nhau của những người phụ nữ ấy được kể lại về một công việc mưu sinh đặc biệt hằng ngày. Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ vất vả, những đêm trời mưa, một mình đi về với 2 sọt hàng nặng trĩu, không biết bao nhiêu lần tai nạn, hư hỏng xe cộ đã xảy ra nhưng họ vẫn bám trụ với nghề.
Chưa chắc có ai đã thử đặt câu hỏi, đời sống người dân vùng cao sẽ như thế nào khi thiếu vắng bóng dáng cũng như những gánh hàng của họ. câu trả lời thật khó. Những người buôn bán này họ tìm đến tận những vùng quê xa xôi, bán những thứ thật cần thiết cho người dân quả thật là một lực lượng đông đảo. Nếu tính ra, nước ta dẫu quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều lắm những vùng nông thôn mà ở đó hàng hóa còn khan hiếm. Nếu không có các quầy hàng rong ruổi với những chiếc sọt hàng như thế thì cuộc sống của người dân nơi vùng xa, vùng khó nghèo sẽ chật vật đến đâu. Ngày ngày, họ trông chờ vào hai sọt hàng của những tiểu thương đường trường, mà họ thường tự nhận mình là “dân hai sọt” mang đến mà thôi.
Đối với những người lái buôn đường rừng thế này thì thường giấc ngủ ít khi được trọn vẹn, bởi luôn thấp thỏm sợ muộn giờ, hết những thứ hàng hóa cần thiết. Một người phụ nữ chia sẻ: “Cái nghề hai sọt này vất vả lắm! Nhưng được cái vui! Mỗi sáng vào đến buôn làng, bà con đổ ra bên cạnh mình tay mua hàng, miệng hỏi thăm tình hình nhà cửa, phố thị, chuyện đường sá, có khi có của ngon vật lạ họ lại mang ra đổi. Họ thương và quý vì mình thật thà, quan tâm đến họ!”. Những chuyến hàng của chị chở đến lại thêm những câu chuyện vui, hài hước, thông tin mới kịp thời cho những người dân, người lính vùng biên giới.
Minh Ngọc – Đình Thiện