BVR&MT – Với đà tăng trưởng ấn tượng trong ba năm lại đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ cán mốc 10 tỷ USD vào những năm tới đây.
Vậy kỳ vọng này liệu có thể trở thành hiện thực khi mà xuất khẩu rau quả vẫn đang còn những lực cản lớn như hiện nay?
Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xung quanh vấn đề này.
– Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, theo ông đâu là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động xuất khẩu rau quả quý 1 vừa qua và ông có dự báo gì về triển vọng xuất khẩu rau quả cả năm 2018?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Tiếp nối thành công của năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36,53 tỷ USD, riêng mặt hàng rau quả đạt 3,5 tỷ USD, ngay từ đầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện mục tiêu kế hoạch đề ra.
Bộ cũng xác định, rau quả là mặt hàng xuất khẩu trọng tâm và hướng tới kim ngạch 4 tỷ USD cả năm.
Vì vậy, hết tháng 4 năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu đáng mừng phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường trong nước và thế giới.
Điều này cũng cho thấy chính sách của Việt Nam đã chọn đúng “điểm rơi,” đồng thời sự vào cuộc của các địa phương và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.
– Với đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 cũng như quý 1/2018 vừa qua, nhiều chuyên gia và ngay cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lạc quan cho rằng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể cán đích 10 tỷ USD vào năm 2020? Vậy đâu là cơ sở để chúng ta có thể tin rằng kỳ vọng này có thể trở thành hiện thực, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Việt Nam có tiềm năng về nông nghiệp to lớn, trong đó rau quả là mặt hàng có thế mạnh. Việt Nam lại có khí hậu vùng miền đặc trưng, mỗi vùng miền lại có những đặc sản riêng đã được định vị như thanh long, vải thiều, rau nhiệt đới, rau ôn đới.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kể từ năm 2015 đến nay, xuất khẩu rau quả đã đạt được các mốc tăng trưởng ấn tượng. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt hơn 1 tỷ USD thì năm 2016 đã đạt kim ngạch 2 tỷ USD và năm 2017 đã cán mốc 3,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, bản thân nông dân, doanh nghiệp và các địa phương đều xác định đây là thế mạnh nên đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư dài hạn.
Trong quá trình này, vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng trong dẫn dắt thị trường và sản xuất theo tín hiệu thị trường, còn các hợp tác xã và bà con nông dân là các vệ tinh cùng hợp tác với các doanh nghiệp. Cùng đó, cơ quan quản lý sẽ có vai trò đàm phán mở rộng các thị trường, từ đó tất cả tạo nên một chuỗi sản xuất khép kín.
Vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng, với sự hợp tác hoạt động hiệu quả của chuỗi khép kín này, mục tiêu xuất khẩu rau quả sẽ có thể đạt 10 tỷ USD trong những năm tới.
– Mặc dù đã có được sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua nhưng trên thực tế thì xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng chỉ mới chiếm 1% thị phần thế giới? Vậy ông nhìn nhận như thế nào về con số này?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Theo tôi, thị trường rau quả thế giới còn rất nhiều tiềm năng nhưng chúng ta vẫn chưa thể khai phá hết tiềm năng. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung đã có mặt tại 170 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chúng ta đã ký kết khoảng 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương. Hội nhập kinh tế quốc tế trong nông nghiệp đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức nhất là khi năng lực sản xuất của chúng ta còn nhỏ bé.
Vì vậy, nếu tổ chức tốt sản xuất thì tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trên “bản đồ” thế giới sẽ được cải thiện bởi thị trường quyết định tất cả cung cầu.
– Thưa ông xuất khẩu rau quả đã lập được thành tích ấn tượng trong năm 2017 nhưng trên thực tế thì có đến 70% sản lượng xuất khẩu đi Trung Quốc dưới dạng thô, tươi, còn những thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, EU thì số lượng hạn chế bởi khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch không đáp ứng yêu cầu. Vậy theo ông đây có phải là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Có thể nói trong hoàn cảnh hiện nay, có 3 điểm nghẽn lớn nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trước hết đó là quy mô sản xuất còn manh mún, đầu tư đất đai cho sản xuất còn nhỏ lẻ và tổ chức sản xuất còn lỏng lẻo nên chưa giải phóng hết được sức sản xuất.
Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng còn hạn chế. Hiện sản lượng rau chế biến đạt khoảng 16 triệu tấn/năm, còn trái cây chế biến khoảng 8,5 triệu tấn/năm. Cả nước hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau quả. Tuy nhiên, khâu chế biến vẫn mới ở mức sơ chế, khâu bảo quản vẫn đang ở trình độ thấp và đây chính là điểm nghẽn lớn thứ hai.
Điểm nghẽn thứ ba chính là thị trường. Điểm nghẽn này được hiểu là các hạn chế về hạ tầng thương mại logistic, tiêu thụ, thương mại nông thôn, khu kinh tế cửa khẩu và các vấn đề về thông quan…chưa được như mong muốn.
Do vậy, đây là 3 điểm nghẽn lớn cần được phải có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp để giải quyết một cách căn cơ trong thời gian tới.
Ngoài ra, còn một điểm nghẽn nữa chính là vấn đề xây dựng các vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Đây là vấn đề trăn trở với cơ quan quản lý bởi nếu xây dựng các nhà máy chế biến rau quả không đúng vị trí thì khâu thu mua nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn về chế biến xuất khẩu rau quả đã ý thức được vấn đề này.
Vừa qua, Công ty Doveco đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn đặt tại vùng nguyên liệu trồng rau quả nhiều tiềm năng tại Gia Lai, còn NA Foood đầu tư nhà máy tại Long An.
Dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 6-8 nhà máy chế biến rau quả vào hoạt động. Đây chính là tín hiệu vui bởi rau quả Việt Nam sẽ có thể nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu.
– Từ góc độ cơ quan quản lý, theo ông còn có những rào cản nào khác đang kìm hãm sự bứt phá trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Để bán được rau quả ra thị trường thì yêu cầu đầu tiên phải là đảm bảo chất lượng. Mà yêu cầu của mỗi thị trường về tiêu chuẩn chất lượng này lại khác nhau.
Do vậy, điều đầu tiên cần quan tâm là tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm. Ví dụ như muốn chinh phục được một thị trường như thị trường Hàn Quốc chẳng hạn thì việc đầu tiên người có rau quả muốn xuất khẩu phải hiểu rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, muốn đi được thị trường xa thì thời gian thu hoạch và thời gian sản phẩm lên kệ ở siêu thị của nước ngoài phải được tính toán hợp lý. Hầu hết hiện nay sản phẩm tươi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu rau quả xuất khẩu.
Vì vậy, bài toán đặt ra là phải đầu tư vào khâu bảo quản sản phẩm trái cây xuất khẩu ra nước ngoài bởi hiện nay thời gian bảo quản dài nhất cho rau quả ra nước ngoài khoảng 30-35 ngày.
Theo tôi, với sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần chủ động đầu tư hơn nữa cho khâu bảo quản này để có thể xuất khẩu rau quả sang các thị trường xa.
– Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những giải pháp hay đề xuất cụ thể gì giúp rau quả Việt Nam vượt rào cản và tăng tốc xuất khẩu trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Trong thời gian tới có rất nhiều giải pháp. Về giải pháp thể chế thì Nghị định 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đang được đề xuất sửa đổi. Cùng đó, trong 1-2 tháng tới đây, Nghị định về nông nghiệp hữu cơ cũng sẽ ra đời.
Về nhóm giải pháp thị trường, chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp về thông tin kết nối thị trường. Hàng tháng, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường kết hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin nông sản định kỳ; trong đó tích hợp các thông tin về nông sản trong và ngoài nước.
Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan tham tán thương mại của Bộ Công Thương tại nước ngoài để chuyển tải thông tin từng thị trường nước ngoài cụ thể về Việt Nam để các doanh nghiệp, người sản xuất nhận thức rõ, từ đó có định hướng đầu tư, sản xuất chế biến phù hợp.
Ngoài ra giải pháp cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm trong nước phù hợp, đáp ứng với các tiêu chuẩn quy chuẩn của nước ngoài cũng đang được triển khai.
Đây là giải pháp khó nhưng buộc phải thực hiện để từng bước tiệm cận với các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường lớn trên thế giới. Từ đó giúp rau quả Việt Nam có thể vượt qua các rào cản thị trường và tiến xa ra thị trường thế giới.
– Xin cảm ơn ông!