BVR&MT – Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, việc các doanh nghiệp chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngành tôm vượt qua thời kỳ khủng hoảng giá bán và hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nâng cao uy tín doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính chung trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm của cả nước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tôm chân trắng vẫn tăng cao 29%, đạt 675 triệu USD, chiếm 68%; tôm sú tiếp tục giảm 11%, đạt 219 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong tháng 4/2018 chỉ còn tăng gần 3% do giảm mạnh sang thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Rõ ràng việc sụt giảm giá bán đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh nguồn cung tôm trên thế giới đang tăng cao như hiện nay, việc điều chỉnh sản lượng, giá bán như thế nào để hạn chế thua lỗ đang là bài toán của các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại và thuỷ sản Thuận Phước, sự trồi sụt của thị trường do tình hình cung cầu thế giới là điều khó tránh khỏi trong kinh doanh.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu uy tín, thông thường họ đã tham gia vào một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Do vậy, khi giá thị trường biến động, các doanh nghiệp sẽ có sự sẻ chia phần thua lỗ từ các đối tác trong chuỗi cung ứng đó. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, tùy vào cung cầu thị trường.
“Quan trọng nhất không phải là vấn đề kim ngạch xuất khẩu tăng bao nhiêu mà là doanh nghiệp đó có giữ được thị trường, đối tác và lợi nhuận có tốt hay không. Mặc dù thị trường có biến động như thế nào, các doanh nghiệp cũng nên tập trung vào việc nâng cao uy tín, xây dựng thương hiệu cho chính doanh nghiệp của mình,” ông Lĩnh chia sẻ.
Đồng quan điểm này, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng, để trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trong chuỗi cung ứng, bản thân doanh nghiệp đó phải có nguồn tôm sạch, hệ thống ao nuôi phải đạt chứng nhận quốc tế.
Tùy vào nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu và mục tiêu của doanh nghiệp mà các doanh nghiệp hướng đến vùng nguyên liệu đạt chuẩn Global Gap hay ASC… Hiện doanh nghiệp này có vùng nguyên liệu 160 ha diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC.
Có chứng nhận đạt chuẩn cộng với uy tín kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tham gia được vào chuỗi cung ứng, có giá bán tốt hơn cũng như nhận được sự sẻ chia lợi ích khi thị trường biến động.
Tuy nhiên, để có chứng nhận đạt chuẩn buộc các hộ nuôi nhỏ lẻ hiện nay phải hợp tác với nhau theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc thành lập các trang trại lớn. Khi đó, sức cạnh tranh của ngành tôm mới được cải thiện và dần nâng chất trên thị trường.
Kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh
Để trở thành một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là vấn đề đơn giản bởi thực tế đã có một số doanh nghiệp làm ăn uy tín, nhưng lại có lô hàng cảnh báo vì dư lượng kháng sinh, hóa chất vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP thừa nhận rằng, ngành tôm Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển nuôi trồng, chế biến và sẽ phát triển mạnh hơn nếu giải quyết tốt các vấn đề kháng sinh, truy xuất nguồn gốc và dịch bệnh.
Theo ông Hòe, các trường hợp vi phạm về kháng sinh, hóa chất thường có nguyên nhân thuộc về khâu nuôi, không phải do nhà máy cho vào trong quá trình sơ chế, chế biến.
Trách nhiệm của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là trong quá trình kiểm soát đã để lọt nguyên liệu có dính kháng sinh vào nhà máy.
Tuy nhiên, việc lây nhiễm kháng sinh và tạp chất đang là 2 vấn đề khiến cộng đồng doanh nghiệp phải gia tăng kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng theo chuỗi, tại nguồn và thành phẩm khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có lô tôm xuất khẩu vừa bị Hàn Quốc cảnh báo cho biết, các doanh nghiệp lớn thường có hệ thống kiểm soát kháng sinh, hóa chất rất hiện đại.
Hàng năm, doanh nghiệp có khi phải chi cả triệu USD cho công tác kiểm soát kháng sinh. Dẫu vậy, rủi ro của doanh nghiệp vẫn xảy ra do nguồn tôm xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa vẫn chưa được cơ quan chức năng chú trọng kiểm soát chỉ tiêu kháng sinh.
Điều này có thể dẫn đến vùng nuôi tôm an toàn bị lây nhiễm kháng sinh qua nguồn nước, xe vận chuyển nguyên liệu…
Để khắc phục tình trạng này, cộng đồng doanh nghiệp và VASEP đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét việc thiết lập hoặc củng cố chương trình riêng về “kiểm soát tôm tạp chất” và “kiểm soát kháng sinh trong sản xuất tôm và thủy sản nuôi.”
Điều này nhằm bảo vệ hình ảnh và uy tín ngành tôm Việt Nam trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động cũng như vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu đang ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những biện pháp quản lý về giá các nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn và vật tư nuôi tôm. Bởi đây là yếu tố quan trọng khiến giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn so với các nguồn cung khác hiện nay.
Có như vậy mới đảm bảo lợi ích của người nuôi một cách bền vững hơn; đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững với kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD.