BVR&MT – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản chưa đảm bảo hợp vệ sinh. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Còn những sai phạm
Theo Sở NN-PTNT, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thời gian qua trên địa bàn tỉnh Phú Yên được tăng cường nên ý thức chấp hành của đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh được nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn, một số cơ sở còn vi phạm.
Từ năm 2015-2017, mỗi năm đơn vị này lấy hàng trăm mẫu nông, thủy sản thực phẩm để kiểm tra một số chỉ tiêu như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, vi sinh gây bệnh… nhằm đánh giá mức độ an toàn thực phẩm. Sở NN-PTNT đã ra nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất vi phạm, đồng thời hướng dẫn các cơ sở này tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: “Riêng trong năm 2017, đơn vị đã lấy mẫu và kết quả có 09 mẫu thịt (thịt bò, gà, heo) bị nhiễm Salmonella; 02 mẫu sản phẩm nguồn gốc thực vật bị nhiễm hóa chất vàng O (Auramine); 01 mẫu rau củ quả bị nhiễm Cypermerthrins; 03 mẫu thủy sản chế biến bị nhiễm hóa chất độc hại; 03 mẫu nước đá bị nhiễm vi sinh vật E.Coli”.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị cũng phát hiện và xử lý một số cơ sở sản xuất chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh, chế biến hàng nông sản và thủy sản. Qua những đợt kiểm tra đột xuất này, đơn vị đã kịp thời chấn chỉnh những cơ sở sản xuất vi phạm…
Ngoài ra, việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản sạch cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Quang, một người trồng rau ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: “Để sản xuất rau sạch, nông dân phải đầu tư rất nhiều, từ khâu giống đến quá trình chăm sóc, bón phân đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân chi phí cho trồng rau sạch cao hơn khoảng 30% so với trồng rau thông thường, công chăm sóc cũng tốn nhiều hơn”.
Khó khăn nhất hiện nay là không có thị trường tiêu thụ ổn định cho rau sạch nên phải bán với giá rau bình thường, người trồng rau sạch đứng trước nhiều khó khăn. Nông dân sẵn sàng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP như đã tập huấn, nhưng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trình ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), cảng cá Tiên Châu có nhiều hạng mục đã xuống cấp. Sản phẩm hải sản khai thác khi đưa lên bờ phải dồn đống ngay cầu cảng, trong khi nước thải chưa được thu gom, xử lý làm ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm thủy sản khai thác, Nhà nước cần đầu tư đồng bộ các hạng mục ở cảng cá này…
Tăng cường quản lý
Theo Sở NN-PTNT, công tác tuyên truyền thời gian qua chưa thường xuyên, nhất là thông tin những sản phẩm sạch đến người tiêu dùng còn gặp khó khăn. Việc quản lý sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và hộ gia đình còn gặp nhiều trở ngại. Tình trạng rau quả bị nhiễm chất độc hại, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản còn dư lượng kháng sinh, hóc môn tăng trưởng và việc sử dụng hóa chất, phụ gia cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả…
Theo ông Đặng Phúc, thông qua các đợt kiểm tra, đơn vị đã vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP, SSOP, ISO nhằm kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm thực phẩm. Đến nay, Phú Yên đã có 6 chuỗi sản phẩm nông, thủy sản an toàn…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đang được triển khai và sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, hiện ở Phú Yên chưa xây dựng được nhiều chuỗi sản phẩm an toàn, việc kết nối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng còn gặp khó khăn. Sở NN-PTNT đang phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản”.
Sở NN-PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm sẽ nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. |