BVR&MT – Nhờ linh hoạt chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng rau củ quả hữu cơ, gia đình chị Đỗ Thị Mơ (thôn Thủy Phú, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tại mô hình trồng rau củ quả theo phương pháp an toàn của gia đình chị Đỗ Thị Mơ, những luống rau củ quả xanh tốt, được quy hoạch bài bản, khoa học, có thể thấy sự nhạy bén, sáng tạo của vợ chồng chị Mơ trong sản xuất nông nghiệp. Chị Mơ cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi chủ yếu sản xuất hồ tiêu. Có năm, vườn hồ tiêu của gia đình tôi lên tới 7.000 trụ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hồ tiêu chết hàng loạt, trồng lại cũng không được. Xem trên ti vi, sách báo, mạng internet thấy nhiều nông dân trồng rau củ quả cho thu nhập ổn định, tháng 11/2017, tôi bàn với chồng chuyển đổi 1 ha hồ tiêu bị chết sang trồng rau củ quả”.
Sau đó, chị Mơ đã đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng rau hữu cơ trong và ngoài huyện. Đồng thời, chị chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu cày ải, làm đất tơi xốp, khử độ chua trong đất trước khi trồng các loại rau củ quả. Hiện tại, gia đình chị Mơ đang trồng các loại rau củ quả như: ớt, dưa leo, khổ qua, cà tím, bầu, bí, khoai môn và sả. “Với phương châm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, tôi đã tự mày mò lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa cho toàn bộ diện tích rau củ quả của gia đình. Hệ thống tưới này giúp gia đình tôi vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới”- chị Mơ cho biết.
Theo chị Mơ, trồng rau củ quả theo phương pháp hữu cơ không khó nhưng đòi hỏi người nông dân phải cần cù, chịu khó, thường xuyên thăm vườn để theo dõi các loại bệnh trên từng loại cây để có biện pháp phòng trừ. Gia đình chị chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, phân dê, phân bò ủ với phân vi sinh để bón cho cây. Với cây khoai môn và sả, do rất ít bị mắc bệnh nên chỉ cần tưới đủ nước và bón phân đầy đủ cây sẽ cho củ to. Còn đối với bầu, bí xanh, ớt, khổ qua thường bị côn trùng cắn, chị dùng nước ớt ngâm với tỏi, gừng, rượu phun đuổi chứ không phun thuốc trừ sâu.
Để tiết kiệm phân bón, nước tưới, chị Mơ đã trồng xen canh các loại rau củ quả. Bên trên, chị làm giàn cho bí xanh và bầu leo, bên dưới trồng khoai môn và sả. Với cách làm này, các loại cây vẫn phát triển xanh tốt và cho sản lượng cao. Từ tháng 1/2018 đến nay, gia đình chị Đỗ Thị Mơ có nguồn thu nhập ổn định. Hàng ngày, vợ chồng chị phải thuê 1-2 công lao động để phụ thu hoạch các loại rau củ quả bán ra các chợ trên địa bàn huyện, chị Mơ cho biết: “Tôi trồng mỗi thứ một ít để không phải rơi vào tình trạng được mùa mất giá hay được giá mất mùa, từ đó tạo nguồn thu ổn định cho gia đình. Bình quân mỗi ngày, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi 400-500 ngàn đồng từ các loại rau củ quả. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm 5 sào nữa để trồng rau củ quả, không chỉ bán sản phẩm mà còn bán giống cho các hộ dân có nhu cầu”.
Trao đổi với P.V, ông Đỗ Văn Đặng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, cho biết: “Trước thực trạng hồ tiêu chết hàng loạt, trong khi nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ia Le đã phải đi các tỉnh thành khác làm thuê thì vẫn còn nhiều hộ quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Gia đình chị Đỗ Thị Mơ là một hộ tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau hữu cơ, đem lại thu nhập cao.
Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ liên kết với một số công ty chuyên sản xuất chế phẩm sinh học và phân vi sinh hữu cơ để giới thiệu cho bà con nông dân, hướng họ vào sản xuất nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng khuyến khích các hội viên tích cực lựa chọn những giống cây trồng mới, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương đưa vào canh tác để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Minh Ngọc – Tuấn Kiệt