BVR&MT – Nguồn phế thải từ sản xuất nông nghiệp là tiềm năng rất lớn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ. Nếu giải quyết tốt, không chỉ tạo ra một lượng phân bón cho sản xuất nông nghiệp sạch, mà còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Ngày 7/5, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo mô hình sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ – tự động hóa.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hằng năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đã thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ và bã các loại cây (ngô, mía…), hơn 25 triệu tấn phân gia súc, gia cầm và xác bã cá… Riêng ĐBSCL đã có hơn 23 triệu tấn rơm rạ, hơn 4,6 triệu tấn trấu và hơn 2,3 triệu tấn cám được thải ra.
Nguồn phế thải này là tiềm năng rất lớn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ. Nếu giải quyết tốt, không chỉ tạo ra một lượng phân bón hữu cơ lớn cho sản xuất nông nghiệp sạch, mà còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, đến nay, việc sản xuất phân hữu cơ từ nguồn này chưa được quan tâm đúng mức.
Trao đổi, thảo luận tại hội thảo, đại diện nhà quản lý, doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản đã được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó tập trung phát triển và chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Việc chuyển hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu, bảo đảm cho một nền nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho con người. Vì vậy, các đại biểu tham dự hội nghị mong muốn Nhà nước cần có nghị quyết về phát triển chiến lược phân bón hữu cơ.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm công bố bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón hữu cơ và từ năm 2020 có lộ trình chấm dứt không phát triển và sử dụng các hóa chất trong sinh trưởng cây trồng (chấm dứt dần dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp).
Bên cạnh đó, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể phân vùng thảm đất để khuyến cáo sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón chuyên dùng cho các loại cây trồng; có định hướng phát triển chăn nuôi hữu cơ và thủy sản hữu cơ để khuyến khích phát triển các tập đoàn sản xuất phân hữu cơ trong nông nghiệp phục vụ cho chiến lược phát triển phân bón hữu cơ.
Cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, nhà sản xuất phân bón hữu cơ nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các loại phân bón, phân hữu cơ công nghệ cao.
Hội Nông dân các cấp cần có nghị quyết về phát động phong trào nông dân làm phân bón hữu cơ và sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, có như vậy mới thực hiện phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số lượng phế thải trong sản xuất nông nghiệp mỗi năm có thể sản xuất trên 8 triệu tấn phân hữu cơ, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân hữu cơ còn rất ít.
Hiện nay mới có một số doanh nghiệp tạo được chỗ đứng trên thị trường như: Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Con Cò vàng hi-tech, Tổng công ty Sông Gianh, Công ty cổ phần Komix Thiên Sinh, Công ty Tiến Nông, Công ty TNHH hữu cơ Hiếu Giang, Công ty hữu cơ Dalto, Công ty Huy Hoàng…
Một số doanh nghiệp đã tiên phong ứng dụng công nghệ nano, tế bào gốc, công nghệ enzym, hitech… trong sản xuất phân bón hữu cơ. Điển hình như Tập đoàn Quế Lâm đã đưa mô hình sản xuất phân hữu cơ trên dây chuyền bán tự động và mô hình cung ứng phân bón phát triển nông nghiệp hữu cơ.