BVR&MT – Gia Lai là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ranh giới lập Quy hoạch vùng tỉnh Gia Lai bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 15.510,99 km2, bao gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Pleiku; thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện K’Bang, Đăk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ, Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Pưh.
Ranh giới được xác định như sau: Phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên; Phía Tây giáp Campuchia; Phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk; Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu xây dựng và phát triển vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cụ thể hoá các mục tiêu quy hoạch của Quốc gia, vùng Tây Nguyên, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh Gia Lai; nhằm gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng của các dân tộc gắn với mục tiêu ổn định đất đai – dân tộc – tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Đồng thời, tổ chức phân vùng chức năng hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí và tài nguyên thiên nhiên, tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Cụ thể, Nông – Lâm nghiệp mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc vùng kinh tế Đông Trường Sơn; phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, chè, cà phê…, gắn với công nghiệp chế biến hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu tại vùng kinh tế Tây Trường Sơn; phát triển vùng công nghiệp tập trung; duy trì khai thác các công trình thủy điện có hiệu quả cao, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đặt biệt là bảo vệ rừng và nguồn nước của hệ thống hồ, sông, suối; phát triển thương mại – dịch vụ tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê; vùng trao đổi thương mại và kinh tế, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Theo dự báo, đến năm 2025 dân số toàn tỉnh khoảng 1.580.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35%; đến năm 2035, dân số khoảng 1.850.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.
Dự báo khách du lịch đến năm 2025 khoảng 750.000 lượt khách, đến năm 2035 khoảng 3.000.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng của khách du lịch bình quân 15 – 18%/năm.