BVR&MT – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, địa phương này đang phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 – 2020, qua đây, hướng người nông dân chuyển đổi sang các mô hình hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản.
TP.Cần Thơ là 1 trong 8 tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long được chọn thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ giai đoạn 2016 – 2020. Đây là dự án có nguồn kinh phí tài trợ lớn nhất trong các dự án hỗ trợ quốc tế cho nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, đến nay, Dự án đã thực hiện được trên 400 lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, giúp nông dân thay đổi nhận thức về ứng dụng kỹ thuật cao.
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững triển khai tại 16 xã thuộc 3 huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh của Cần Thơ, trên tổng diện tích lúa 30.000ha, với 25.000 nông hộ tham gia. Mục tiêu của dự án là gia tăng lợi tức trên 30% cho nông dân từ áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến, giảm tác hại đến môi trường. Đồng thời hình thành chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ nâng cao chất lượng trong sản xuất cây lúa, nhiều địa phương ở TP.Cần Thơ đã đưa công nghệ cao vào sản xuất trên nhiều loại cây khác. Năm 2017, huyện Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái với diện tích trên 895 ha. Đồng thời, khuyến khích nhà vườn áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm với diện tích hơn 34ha, từ đó tăng thêm lợi nhuận từ 9,5 triệu đến 9,7 triệu đồng/ha so với hệ thống tưới truyền thống. Trên địa bàn Thành phố dần hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố.
Đó là làng hoa cảnh Phó Thọ – Bà Bộ (quận Bình Thủy); Câu lạc bộ Hoa cảnh Trường Trung B, Hợp tác xã Hoa cảnh Tân Long A (xã Tân Thới, huyện Phong Điền); mô hình trồng lan tại quận Cái Răng, Ô Môn và Bình Thủy… Nhiều mô hình trồng rau sạch bằng hình thức thủy canh, nhà lưới xuất hiện, như mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo công nghệ Israel tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy; sản xuất rau thủy canh tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy; sản xuất nấm bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi… Bên cạnh đó, phong trào nuôi cá cảnh dần khôi phục ở Tổ Hợp tác Nuôi cá cảnh phường Long Tuyền, quận Bình Thủy; sản xuất cá cảnh tại xã Giai Xuân, Mỹ Khánh và thị trấn Phong Điền của huyện Phong Điền…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Bình Thủy cho biết, quận đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và các đơn vị công ty, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động và có giải pháp hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tìm đầu ra sản phẩm. Đồng thời, củng cố và nâng chất các thương hiệu, nhãn hiệu nông sản đã được cấp chứng nhận. Quận cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, các trường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các kế hoạch sản xuất gắn với việc đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm nông nghiệp phù hợp nhu cầu thị trường. Đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ngành thành phố để liên kết quảng bá, tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm đảm bảo đầu ra cho người sản xuất.
Ngoài phát triển nông nghiệp đô thị, TP.Cần Thơ cũng đang hướng đến những mô hình sản xuất giống lúa, thủy sản cung ứng cho các địa phương trong vùng để góp phần thúc đẩy đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng.
Có thể thấy, trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở TP.Cần Thơ vừa đáp ứng các điều kiện về tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo an toàn tiêu dùng. Đây cũng là xu thế tất yếu đưa nông nghiệp hội nhập.
Được biết, hiện TP.Cần Thơ có khoảng 200 ha nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn (như: VietGAP, BMP, ASC, BAP…); trên 100 ha lúa rau màu, cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hàng chục mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Đến nay, hầu hết các khâu trong sản xuất và thu hoạch lúa được cơ giới hóa. Thành phố đã hình thành các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung. Đồng thời kiểm soát tốt chất lượng và được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gắn với phát triển du lịch sinh thái. Có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.