BVR&MT – Mặc dù trong năm qua nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần được khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thủy lợi đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đối với hệ thống văn bản, chính sách
Hệ thống văn bản cồng kềnh nhưng chưa đầy đủ vừa thừa vừa thiếu. Bên cạnh đó, việc thực thi các văn bản pháp luật không nghiêm, đặc biệt là ở cấp tỉnh.
Sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện các văn bản pháp luật nhìn chung còn yếu, đặc biệt trong việc xử phạt các vụ vi phạm. Vai trò của các cơ quan quản lý còn thụ động trong công tác, nặng tư tưởng quan liêu, bao cấp, làm việc theo mệnh lệnh, tầm nhìn hạn chế, thiếu tính sáng tạo, lúng túng trong công tác chỉ đạo khi xảy ra tình huống.
Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi có nhiều biến động, chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương. Bộ máy tổ chức còn mỏng, thiếu ổn định, chưa đủ năng lực để làm tốt các nhiệm vụ theo quy định.
Chính sách tài chính trong quản lý khai thác công trình thủy lợi
Một số chế độ, chính sách về tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn mang nặng tính bao cấp. Cơ chế tài chính chưa đồng bộ, nhất là khi thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, việc cấp và sử dụng thủy lợi phí còn nhiều bất cập. Thiếu chính sách khuyến khích, tạo động lực trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi; chưa có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm.
Công tác đầu tư xây dựng công trình thủy lợi
Chưa có quy định về đầu tư đồng bộ, nhiều hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng công trình đầu mối mà không đầu tư hệ thống kênh, dẫn đến không phát huy được hiệu quả đầu tư. Mặt khác, do việc đầu tư không khép kín nên nhiều hệ thống không thực hiện được đầy đủ các chức năng theo thiết kế như: chức năng chống ngập, úng, chức năng kiểm soát xâm nhập mặn.
Do chưa có quy định loại công trình nhà nước ưu tiên đầu tư nên ở nhiều địa phương việc đầu tư còn dàn trải, còn hiện tượng chạy, xin công trình, dẫn đến đầu tư vào những công trình chưa cấp bách, có công trình đầu tư xây dựng chưa tuân theo quy hoạch nên không phát huy được hiệu quả đầu tư, đôi khi gây hậu quả ngoài ý muốn. Chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư công trình thủy lợi chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư.
Đối với công tác bảo vệ công trình thủy lợi và môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, đối tượng vi phạm chủ yếu là dân nghèo, chủ yếu làm nghề nông và thu nhập thấp, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, khó áp dụng được biện pháp cưỡng chế, quyền lực của các cơ quan quản lý chưa đủ mạnh, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm; thiếu nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện.
Chế tài đối với việc xử phạt hành chính không được thực thi nghiêm, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.
Giải pháp khắc phục
Để tăng cường hiệu quả sử dụng, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi phục vụ cho phát triển kinh tế hiện nay theo ông Lê Đức Năm – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Tưới Tiêu Việt Nam thì cần tiến hành một số giải pháp như:
Nhanh chóng hoàn thành những văn bản dưới luật để nhanh chóng đưa Luật Thủy lợi vào cuộc sống.
Tập trung đầu tư sửa chữa nâng cấp các công trình, hệ thống công trình thủy lợi để phát huy tối đa năng lực công trình.
Áp dụng công nghệ tiên tiến trong tưới, tiêu và quản lý vận hành công trình vào nông nghiệp rộng rãi hơn.
Khẩn trương hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý công trình thủy lợi từ trung ương đến địa phương, nâng cao vai trò của các tổ chức, cá nhân trong quản lý công trình.
Thạch Thảo