(BVR&MT) – Mới đây, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành công văn 4270/UBND-KT về việc triển khai các nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan giếng trái phép vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và tổn thương tầng chứa nước dưới đất. Chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, dẫn đến hiện tượng gây ô nhiễm nguồn nước cấp, làm gián đoạn hoạt động cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân một số huyện, thành phố.
Do đó, để kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý các hoạt động trên, tỉnh Sơn La giao Sở TN&MT xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND tỉnh công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân đang quản lý, vận hành khai thác nguồn nước cấp cho sinh hoạt, hoàn thành trong tháng 3/2018. Hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường cấp huyện, xã về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, sản xuất quy mô hộ gia đình, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường. Tổ chức vận động nhân dân thu gom, xử lý vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, không gây ô nhiễm nguồn nước. Thực hiện tốt quy hoạch sản xuất, chế biến cà phê và sản phẩm nông nghiệp khác.
Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN&MT hướng dẫn thực hiện các quy định, quy chuẩn môi trường hiện hành trong việc lựa chọn địa điểm, thiết kế xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo không ảnh hưởng đến các tầng chứa nước, các nguồn nước mặt. Chủ trì thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn, trong đó đề xuất rõ phương án, lộ trình thực hiện, đảm bảo cấp nước an toàn với trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước hoặc nguy cơ mất an toàn cấp nước đô thị.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức thanh, kiểm tra, rà soát các tổ chức, cá nhân hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép; hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trái phép. Chấm dứt hoạt động khoan, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trái pháp luật. Kiên quyết xử lý với hành vi vi phạm pháp luật về khoan, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định tại Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ.
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo đúng quy định. Các tổ chức, cá nhân trước khi khai thác, sử dụng nước dưới đất phải tiến hành thăm dò theo quy định…
Hoàng Tưởng