BVR&MT – Thời gian qua, bên cạnh những mô hình nuôi thủy sản truyền thống, việc triển khai các mô hình sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn sinh học theo hướng VietGAP tại Nghệ An đã đem lại hiệu quả thiết thực và đang từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thăm mô hình điểm là hộ gia đình ông Nguyễn Quý Cự ở xóm Châu Lĩnh, xã Đức Thành (Nghệ An), người đã thành công với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP trên diện tích mặt nước 0,5ha; với mật độ nuôi 5con/m2. Mô hình do Trạm Khuyến nông Yên Thành chịu trách nhiệm.
Được thực hiện từ tháng 4/ 2017, mô hình đã đem lại kết quả khả quan, tỷ lệ cá sống đạt 85%, dự kiến năng suất đạt 15,3 tấn/ha, tăng hơn 18% so với mô hình đối chứng; các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu đề ra.
Tuân thủ các yêu cầu nuôi thả theo quy trình VietGAP, ngoài việc thả nuôi con cá giống rô phi đơn tính, ông Cự còn đầu tư thêm hệ thống sục khí đáy ao, xử lý nguồn nước tại chỗ bằng men vi sinh, không thay nước ao như chế độ nuôi cũ mà chỉ cần bổ sung nước 1 tuần/lần… Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình thu lãi hơn 23 triệu đồng trong thời gian nuôi 6 tháng.
Đánh giá về quy trình nuôi cá theo hướng VietGAP, ông Cự cho biết, ưu điểm lớn nhất của quy trình này cá tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh và giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường. Do mật độ nuôi thấp nên cá tăng trưởng rất nhanh, giảm lượng thức ăn tiêu tốn, cá đạt biểu cân và có mẫu mã đẹp. Đồng thời, môi trường nuôi được xử lý thường xuyên giúp giảm dịch bệnh, giảm lượng thuốc thú y sử dụng, không mất công thay nước thường xuyên như cách nuôi truyền thống…
Về kỹ thuật nuôi, ông cho biết, để cá mạnh khỏe, cho chất lượng đồng đều, ông nhập cá giống từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín và nuôi thả trong ao ương cho đến khi cá con đạt trọng lượng 120-130g rồi mới chuyển sang ao nuôi cá thịt; chọn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn; tính toán lượng thức ăn hợp lý nhằm giảm lượng thức ăn dư thừa vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường ao nuôi… Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước sạch từ ngòi vào và luôn duy trì độ sâu của nước trong ao từ 2-2,5m, định kỳ 15 ngày/lần xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học…
Rô phi đơn tính là loài cá nước ngọt, dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh, thịt thơm ngon; có thể chế biến để làm thực phẩm xuất khấu. Do đó, nuôi cá theo mô hình VietGAP đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay ở Yên Thành có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Cũng tại cuộc hội thảo được tổ chức mới đây, các đại biểu đề nghị Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tiếp tục cho thực hiện mô hình ở tiểu vùng sinh thái khác trong giai đoạn 2018 – 2020, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP của hộ gia đình ông Nguyễn Quý Cự chỉ là một trong số những mô hình nuôi thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn cho ngành thủy sản của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, với việc tạo ra các vùng thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tập trung định hướng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ nuôi theo hướng VietGap đã giải quyết được vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ cá chết do dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Mô hình được triển khai không những tạo ra hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức người nuôi về VietGAP đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Đình Nguyên – Huy Thịnh