BVR&MT – Nhằm phục vụ hương trầm dịp Tết, hiện nay người dân một số huyện của Nghệ An đang đẩy mạnh thu hoạch cây hương bài, mỗi ngày xuất bán hàng tấn rễ khô làm nguyên liệu chế biến hương trầm ra thị trường.
Bắt đầu từ tháng 11 Dương lịch, người dân vào mùa thu hoạch rễ cây hương bài. Do được trồng xen kẽ nên thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 tháng.
Tại huyện Quỳnh Lưu, tập trung nhiều trồng cây rễ hương nhiều nhất ở xã Quỳnh Thắng. Năm nay, xã Quỳnh Thắng trồng hơn 260 ha cây hương bài, đạt sản lượng đạt trên 1.000 tấn rễ khô; ước tính doanh thu khoảng 30 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hương, người trồng cây rễ hương ở xã Quỳnh Thắng cho biết: “gia đình tôi đang tập trung nhân lực lên đồi thu hoạch 10 sào đất trồng cây hương bài.Năm này, dù mưa nhiều nhưng năng suất vẫn không giảm so với các năm trước. Sau khi đưa rễ cây rễ hương phơi khô, nhập cho thương lái, trù các khoản chi phí, gia đình tôi cũng thu lãi khoảng 70 triệu đồng.”
Năm nay cây hương bài với giá thu mua 30.000 đồng/kg, năng suất bình quân từ 4 tấn – 4,5 tấn/ha (tương đương năm ngoái), sẽ cho bà con thu nhập 120 – 130 triệu đồng/ha.
Ông Lê Văn Nga – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết: “vào vụ thu hoạch hương bài, mỗi ngày người dân địa phương cung cấp ra thị trường từ 5 – 7 tấn nguyên liệu. Do chất đất tốt nên cây rễ hương phát triển nhanh, được đánh giá chất lượng cao hơn một số vùng khác.”
Tại huyện Thanh Chương, cây hương bài được trồng nhiều nhất ở xã miền núi Thanh Nho. Với diện tích trên 1000 ha đất lâm nghiệp, những năm gần đây, người dân địa phương đã thí điểm trồng cây rễ hương mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thi Trà (xóm 7 – Thanh Nho) cho biết: “Gia đình tôi trồng trên 1 ha cây rễ hương, thu được hơn 150 triệu đồng mỗi năm.”
“Cây rễ hương sau khi thu hoạch về sẽ được sơ chế, tách phần rễ và thân ngọn mới xuất bán. Nếu chỉ bán nguyên liệu mỗi héc ta cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, còn nếu chế biến có thể thu được 140 triệu đồng” – bà Trà cho biết thêm.
Thời gian đầu, người dân Thanh Nho thường trồng rễ hương bằng cành nhưng nay một số gia đình đã chuyển sang trồng bằng hạt giống; để vừa đỡ công gom cành vừa tận dụng được cành, lá làm nguyên liệu. Rễ hương là một loại cây dễ chăm sóc, chịu hạn, không kén đất và giá trị kinh tế cao.
Từ một vài hộ gia đình trồng thí điểm, đến nay, bình quân mỗi năm, xã Thanh Nho có từ 150- 200 ha; thu về 20 tỷ đồng từ cây trồng này. Thấy được hiệu quả kinh tế mà cây rễ hương mang lại, người dân xã Thanh Nho đã giảm dần diện tích cây keo để chuyển sang trồng loại cây này.
Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thanh Nho cho biết: “Thanh Nho có tiềm năng và lợi thế về đất trồng, cây rễ hương mang lại năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, đầu ra của cây rễ hương trên đất Thanh Nho vẫn còn rất lớn và chúng tôi cũng đang khuyến khích mở rộng”.
Không chỉ mở rộng diện tích trồng mà người dân địa phương còn đầu tư máy móc để bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Đình Quyết chủ cơ sở chế biến rễ hương Quyết Thanh cho biết: “Cơ sở của chúng tôi vừa thu mua vừa chế biến rễ hương thành thành phẩm, xuất bán cho các cơ sở làm hương trong và ngoài huyện. Chi phí đầu tư mua sắm máy móc không lớn nên thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho bà con”.
Không chỉ có ở xã Thanh Nho trồng cây rễ hương, nhiều xã giáp ranh như Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Hòa cũng trồng loại cây trồng này. Được coi là hướng mở trong phát triển kinh tế của người dân vùng miền núi, bởi vậy huyện Thanh Chương cũng đã có kế hoạch nhân rộng cây rễ hương ở các địa bàn khác nhất là ở vùng tái định cư thủy điện.
Đình Nguyên