BVR&MT – Trước thực trạng lợi dụng thương hiệu cam Vinh để trộn lẫn cam không rõ nguồn gốc, thu lợi bất chính của nhiều tư thương, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vừa qua, tại vùng trồng cam huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chính thức in và dán tem truy xuất điện tử nguồn gốc cam Vinh cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất cam.
Theo đó, việc dán tem truy xuất nguồn gốc do Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội cam Vinh thực hiện. Hai đơn vị được dán tem đầu tiên là hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Hai HTX này đăng ký in 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.
Giữ vững thương hiệu
Vườn cam Tấn Thanh có diện tích 5ha ở xóm Minh Chùa, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Vườn cam này được cơ quan chuyên môn khẳng định là chấp hành tốt nhất các quy chuẩn về VietGap trong các khâu trồng, chăm sóc, nên sản lượng đạt cao, lên đến 30 tấn/1ha. Khác với năm trước, vụ thu hoạch này tất cả 150 tấn cam đều được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và dán tem truy xuất nguồn gốc, đóng thùng bảo quản trước khi đưa đi tiêu thụ.
Ông Dương Đình Tấn – Chủ vườn cam Tấn Thanh cho biết: “Những năm trước cam chưa có tem truy xuất nguồn gốc thì giá bán không cao lắm. Năm nay, Sở bắt đầu áp dụng dán tem cho cam, khẳng định nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về an toàn thực phẩm nên giá bán tăng thêm 10.000/1kg”.
Với cách làm dán tem truy xuất nguồn gốc, 2 HTX là HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh, HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền và một số tổ chức, cá nhân sản xuất cam Vinh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã được Sở Khoa học – Công nghệ tổ chức hướng dẫn việc in và dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử cam Vinh.
Ngoài ra, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Nghệ An cũng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất cam cách đăng ký hồ sơ đủ điều kiện ATTP và cấp quyền in dán tem; cách đăng ký in tem dựa vào thực tế cam hiện có của từng cơ sở và cách sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc tem điện tử trên các ứng dụng của điện thoại thông minh.
Ông Dương Đình Tấn – Chủ nhiệm HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh cho biết: Sau khi dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm, cam của HTX bán ra thị trường với giá 50.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ cam của HTX chủ yếu ở Thành phố Vinh, Hà Nội và Thanh Hóa.
Theo quyết định số 65/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An, tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý cam Vinh phải có những nội dung thông tin bắt buộc: Tên sản phẩm, giống cam, quy cách đóng gói, bảo quản, ngày thu hoạch; hạn sử dụng; phân loại chất lượng, thông tin cảnh báo. Quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, diện tích, số lượng, thời gian gieo trồng. Tên tổ chức, cá nhân đại diện, địa chỉ giao dịch, điện thoại giao dịch, email và thông tin phân phối (nếu có).
Việc in tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoặc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện. Hàng năm, trước kỳ thu hoạch cam 01 tháng, các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng địa lý trên cơ sở diện tích canh tác, năng suất dự kiến để đăng ký cấp mã truy xuất nguồn gốc và số lượng tem truy xuất nguồn gốc sử dụng trong năm với Chi cục Đo lường chất lượng.
Vẫn còn nhiều bất cập
Thời gian qua, do lợi nhuận đã có nhiều thương lái lợi dụng thương hiệu cam Vinh, cố tình trộn lẫn các loại cam không rõ nguồn gốc để bán cho người tiêu dùng. Việc lợi dụng thương hiệu cam Vinh để trộn lẫn cam không rõ nguồn gốc, thu lợi bất chính của nhiều tư thương, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Chính vì vậy, một số chủ vườn đã tự in logo dán lên sản phẩm với mục đích khẳng định đó là cam Vinh thật, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, tự in logo dán lên sản phẩm mang tính chất tự phát, chưa có sự thống nhất và còn thiếu quy chuẩn chung nên vẫn bị các thương lái lợi dụng. Do đó, vụ cam năm 2017, phương án dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc địa lý cho cam Vinh bắt đầu được cơ quan chức năng tiến hành thực hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Thế nhưng, trên thực tế cho thấy, nhiều diện tích cam tại Quỳ Hợp đã được người dân thu hoạch và tiêu thụ trong một thời gian dài, thì việc thực hiện phương án dán tem lại diễn ra chưa kịp thời.
Ông Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Đây là năm đầu tiên triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc địa lý cho cam Vinh nên chưa thể triển khai một cách đồng loạt, chỉ áp dụng cho những diện tích cam đúng tiêu chuẩn”.
Việc chưa triển khai đồng loạt và chỉ áp dụng với những diện tích cam đúng tiêu chuẩn như hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng hoang mang trước thực tế với số cam cùng một lô đất, một thửa, cùng được thu hoạch một lúc, nhưng chưa kịp dán tem, thì chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ có bị ảnh hưởng?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tich Hội cam Vinh tỉnh Nghệ An cho biết: “Quan điểm của tỉnh, của hội là dán tem 100% sản phẩm theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên năm nay nhuận, cam chín sớm nên việc triển khai dán tem hơi muộn”.
Với cách làm còn thiếu tính thống nhất, chậm trong triển khai đồng loạt, mới chỉ dừng lại ở chất lượng là tem bền, dai, không thấm nước… cho sản phẩm cam ở huyện Quỳ Hợp như đang triển khai thực hiện, ngoài bất cập trong công tác quản lý thương hiệu hàng hóa còn ảnh hưởng đến công tác quản lý thị trường. Bởi cam Vinh được dán tem truy xuất nguồn gốc địa lý, giá bán sẽ tăng lên, lợi nhuận đem lại cho người trồng cam cao, nên việc đánh tráo, trộn lẫn các loại cam khác rất dễ xảy ra.
“Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cũng đã nhận được nhiều phản hồi của chuyên gia về việc không dùng tem vỡ (tem dùng 1 lần) để tránh gian lận. Tuy nhiên trên thực tế, chi phí để thực hiện dán loại tem này đắt gấp đôi so với loại tem được chọn sử dụng cho cam Vinh hiện tại” – Bà Thái Thị Hồng Liên, trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.
Đình Nguyên