BVRR&MT – Từ kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa có sẵn và học hỏi các chương trình đào tạo cho lao động nông thôn về tăng gia sản xuất, chăn nuôi ổn định cuộc sống, ông Hồ Sỹ Điều (1957) xã Nghĩa Tiến, Thị xã Thái Hòa đã không ngừng tăng trưởng đàn bò từ 8 lên đến 40 con. Mô hình này không chỉ mang đến nguồn thu ổn định cho gia đình mà còn giải quyết việc làm thêm cho nhiều lao động của địa phương.
“Cái khó ló cái khôn”
Nhớ lại những ngày đầu với công việc đầy thử thách này, ông Điều vẫn chưa hết nỗi lo sợ về những thăng trầm đã trải qua. 11 năm gắn bó với công việc chăn nuôi bò sữa ông Hồ Sỹ Điều đã tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm kha khá trong công tác chăm sóc đàn bò cũng như đầu ra sản phẩm lượng sữa mỗi ngày.
Ban đầu nuôi bò sữa, gia đình ông gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, cách thiết kế chuồng trại, nhân giống đến các giải pháp đối phó với thời tiết… Từ năm 2002 đến 2006 chăn nuôi bò sữa lại không tìm được nguồn ra cho mỗi lần thu hoạch sữa, lắm lúc ông cũng đã có lần nản chí. Ông chia sẻ: “Cứ mỗi lần như thế cứ phải gánh sữa đi dọc làng bán cho dân, có khi bán không hết phải đem đổ vì thời gian từ lúc vắt đến lúc cần được bảo quản lạnh chỉ được có 2 tiếng nên bán không hết qua 2 tiếng là phải đổ vì lượng sữa đó không còn đảm bảo cho người dùng”.
Khó khăn là thế nhưng không làm ông nản chí. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, chịu khó tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, học hỏi từ những mô hình nuôi bò sữa thành công ở nhiều nơi.
Đặc biệt là sau khi tìm hiểu và học hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa từ nhiều mô hình, ông dần dần tích lũy, nắm vững kiến thức để mở rộng quy mô chăn nuôi. Cũng nhờ đó, ông Điều rút ra được nhược điểm trước đây mình chưa khắc phục được như do chuồng trại làm chưa đúng kỹ thuật và chưa biết chăm sóc khi bò sữa đến thời kỳ sinh sản và cho sữa nên đàn bò ông nuôi thường hay đau ốm và chất lượng sữa không đạt như hiện nay.
Những khó khăn ngày đầu thử nghiệm chăn nuôi bò sữa trên chính mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi về chất đất cũng như khí hậu đã không ngừng thôi thúc ông quyết tâm “sống cùng đàn bò” mà ông ấp ủ.
“Sau khi tôi tìm hiểu và học hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa từ các mô hình, tôi nhận ra bò sữa cần phải ăn duy trì, ăn sản xuất, ăn chăn nuôi thai. Đồng thời, chăn nuôi bò sữa cũng đòi hỏi yếu tố kĩ thuật cao, có tính công nghiệp cao, quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, phải cho ăn đúng giờ, đầy đủ chất dinh dưỡng, nắm chắc các loại bệnh để khống chế, đặc biệt là các bệnh về vú và sinh sản”, ông Điều niềm nở chia sẻ.
Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ mô hình chăn nuôi bò sữa
Ngày 18/ 8/ 2006, nhà máy sửa Vinamilk được đưa về hoạt động trên địa bàn đã nối tiếp niềm vui với những người chăn nuôi bò trên địa bàn thị xã. Từ đó, công việc chăn nuôi bò sữa của ông Điều cũng như một số người dân trên địa bàn thị xã Thái Hòa trở nên thuận lợi và phát triển hơn.
Theo ông Điều, nuôi bò sữa nhìn có vẻ đơn giản nhưng thật ra khá phức tạp. Trước kia nuôi bò theo kiểu tự tìm tòi, thử nghiệm để tìm hướng đi nhằm xóa đói giảm nghèo, nhưng hiện nay nuôi bò đòi hỏi công nghệ cao, cần đầu tư một khoản khá lớn và công chăm sóc, cho ăn cũng như dịch bệnh cần được chú trọng để lượng sữa đạt cả về chất và lượng. Hơn nữa, đầu tư cho chăn nuôi bò sữa cũng khá tốn kém về mặt tiền bạc ngoài việc gia đình phải có quỹ đất để trồng cỏ phục vụ đàn bò, chuồng trại và nguồn thức ăn phải được đầy đủ.
Từ việc thực hiện chăn nuôi bò sữa đúng quy trình, đến nay, đàn bò của gia đình ông dần tăng lên về số lượng cũng như chất lượng sữa. Cứ bình quân mỗi con bò có giá 50 – 60 triệu đồng, rồi tiền xây dựng hệ thống trang trại, tiền mua máy vắt sữa,…
Cho đến nay, trên diện tích 11 ha đất, ông Điều đã đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát, mở rộng quy mô chăn nuôi. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư trồng cỏ bao quanh hệ thống trang trại để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò.
Việc thu mua nguyên liệu của nhà máy đã mang đến đầu ra ổn định và giá cả phù hợp nên ông cũng như một số hộ gia đình trên địa bàn thị xã tích cực hơn trong việc đầu tư công, của vào việc chăm sóc đàn bò.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò sữa, ông Điều cho biết, giống bò sữa ngoài thức ăn chủ yếu là cỏ nhưng muốn bò cho sản lượng sữa cao, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu kiểm định thu mua của công ty, thức ăn cho bò phải đầy đủ chất dinh dưỡng như ngô ủ chua, các loại khoáng, đỗ tương,… chuồng trại phải luôn thoáng mát, sạch sẽ, thiết kế chuồng hiện đại, chiều cao chuồng từ giọt mái nước đến mặt đất phải 4m, mái 2 tầng, có hệ thống quạt thông gió. Đặc biệt, khi mua con giống thì con giống đó phải Khi nuôi bò sữa, người nuôi cần chọn con giống tốt và tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh cũng như thời gian cho ăn hàng ngày.
Hiện nay, tổng đàn bò của ông đã lên tới 40 con, cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng mỗi ngày với giá từ 13.000 – 14.000 đồng/lít. Ngoài giao cho công ty sữa, ông còn bán sữa bò tươi nguyên chất cho bà con ở xung quanh. Bên cạnh đó, hàng năm ông còn bán 3 – 4 con bê với giá từ 15 – 20 triệu đồng/con. Đàn bò sữa phát triển khỏe mạnh, mang lại thu nhập khoảng 1.4 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hoàng Phú Hiền, chủ tịch thị xã Thái Hòa cho biết: “Gia đình ông Điều là một trong những hộ tiêu biểu về tăng gia sản xuất, ổn định kinh tế. Không chỉ nắm vững kiến thức mà ông còn rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa để phổ biến cho các hộ chăn nuôi khác. Ngoài mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Điều, hiện trên địa phương còn có các hộ gia đình như gia đình bà Nguyễn Thị Lộc ở xã Đông Hiếu, chị Trương Thị Hiệp ở xã Nghĩa Mỹ, anh Trần Văn Hữu ở xã Nghĩa Hòa,…cũng đều làm rất tốt, mô hình trang trại với tổng đàn bò lớn và cho thu nhập tương đối cao mỗi năm” .
Đình Nguyên