Tuyên Quang: Nuôi ngỗng, con đường thoát nghèo của nhiều hộ dân

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Các cụ xưa có câu “giàu nuôi chó, khó nuôi dê, vô nghề nuôi ngỗng” như muốn nói việc nuôi ngỗng là một công việc rất khó khăn, vất vả, ngỗng là loài không dễ nuôi. Ấy thế mà, từ lâu, chăn nuôi ngỗng đã gắn liền với đời sống sản xuất của bà con vùng cao xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây, nuôi ngỗng được coi như một “nghề” đang mở hướng phát triển kinh tế, giúp bà con thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vật chất cho bà con nơi đây.

Thời điểm hiện nay, đến với xã Côn Lôn không khó để bắt gặp những đàn ngỗng tung tăng đi trên đường, dùng chiếc mỏ chắc khỏe của mình xé từng ngọn cỏ, khi chúng bơi dưới suối nhiều người lầm tưởng đó là loài thiên nga vừa bay lạc về đây từ trời Âu. Hỏi người dân mới biết đó là loài ngỗng cỏ đã được bà con trong xã nuôi từ bao đời nay, chúng là một trong những loài gia cầm được nuôi chính ở xã Côn Lôn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bạch Chủ tịch UBND xã Côn Lôn cho biết: “Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vì có dòng suối Nặm Mường chảy qua địa bàn xã nên nhiều hộ dân đã chăn thả ngỗng cỏ, giống ngỗng “cỏ” của địa phương. Ngỗng Côn Lôn có nhiều ưu điểm như cổ ngắn, chân nhỏ, được chăn thả ở suối với nguồn thức ăn là cua, ốc, rong rêu nên cho chất lượng thịt nạc, chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt”.

Người dân thôn 3, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang chăn thả ngỗng của gia đình.

Được biết, ngỗng nhà là loại gia cầm dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít mắc bệnh. Nuôi ngỗng có nhiều thuận lợi với đặc thù của ngỗng là có thể sử dụng rất hiệu quả thức ăn xanh và các loại phụ phẩm nông nhiệp, ngỗng có thể vặt tận gốc cây cỏ, cả phần củ rễ, ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại từ cỏ tranh đến lục bình ngỗng đều ăn được. Ngỗng chỉ ăn cỏ, ăn rau là chính, ít dùng lương thực.

Ông Bạch cho biết thêm: “Hiện nay, toàn xã Côn Lôn có khoảng gần 30 hộ gia đình nuôi ngỗng tập trung ở các thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn Đon Thài…Xã đang vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng đàn, nâng cao thu nhập cho người dân. Để xây dựng thương hiệu ngỗng Côn Lôn, trong thời gian tới xã sẽ tổ chức liên kết các hộ sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, phát huy vai trò của hợp tác xã trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Kính, thôn 2, xã Côn Lôn cho biết, từ nhiều đời nay, gia đình ông đã nuôi giống ngỗng bản địa này. Trong chuồng lúc nào cũng có hàng chục, có khi gần trăm con ngỗng. Hiện nay, giá bán ngỗng trên thị trường từ 130-150 ngàn đồng/kg. Mỗi năm gia đình ông thu lãi 15 triệu đồng tiền bán ngỗng. Ông Kính cho biết, ngỗng chủ yếu được bán cho người dân trong xã phục vụ ngày lễ, Tết.

Cách nhà ông Kính không xa là hộ gia đình ông Lê Văn Hách, thôn 3, một hộ chăn nuôi ngỗng lâu năm ở Côn Lôn, theo ông chia sẻ thì ngỗng rất dễ nuôi, chỉ trong vòng 7 tháng là có thể bán được, đặc biệt có sức đề kháng bệnh tật rất tốt. Vài năm nay, cứ đến ngày lễ, Tết và rằm tháng 7, thương lái đến hỏi mua nhưng không đủ bán. Năm vừa rồi, gia đình ông đã thu lãi trên 10 triệu tiền bán ngỗng thịt và trứng ngỗng. Nếu so với chăn nuôi lợn, chăn nuôi ngỗng hiệu quả hơn nhiều vì vốn đầu tư ít, không tốn tiền mua thức ăn nhưng để nuôi thành công ngoài việc chịu khó học tập kinh nghiệm, cần phải chú trọng cách chăm sóc, phòng bệnh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Không khó để bắt gặp những đàn ngỗng tung tăng trên đường ở xã Côn Lôn, huyện Na Hang.

Tuy nhiên, việc nuôi ngỗng ở Côn Lôn hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nhưng nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao. Nhiều thương lái ở thành phố và các địa phương khác trong tỉnh tìm mua ngỗng Côn Lôn nhưng không đáp ứng được nhu cầu.

Ông Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, cho biết, trước nhu cầu thị trường và nguyện vọng của bà con trên địa bàn xã Côn Lôn, phòng phối hợp chính quyền xã tiến hành chọn điểm, chọn hộ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật làm chuồng trại, chăn nuôi, ưu tiên những hộ nghèo, hộ chính sách và những hộ chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung để trở thành mô hình sản xuất thành hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, giúp những hộ nghèo vươn lên làm giàu.

Qua tìm hiểu của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, hiện nay ở nước ta có nhiều giống ngỗng cao sản như ngỗng trắng, ngỗng xám vằn, loại chân thấp, chân cao. Ngỗng là loại gia cầm có khả năng tăng trọng rất nhanh, sau khi nuôi 3-4 tháng, ngỗng lớn lên thường đạt trọng lượng 4- 4,5 kg, những giống ngỗng ngoại nhập có thể cao hơn, đạt 4,5– 5 kg. Nếu ngỗng được nuôi dưỡng chăm sóc tốt ngay từ đầu thì thời gian có thể rút ngắn không tới 3-4 tháng nuôi.


Việt Hoàng