BVR&MT – Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La về việc triển khai mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm quả chanh leo với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, từ tháng 4 năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên đã triển khai mô hình trồng cây chanh leo từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện với 40 ha tại 3 xã: Mường Cơi, Mường Do, Tân Lang. Qua 6 tháng triển khai, mô hình đã cho thu nhập 45 triệu đồng/ha, cao hơn 25 triệu đồng so với trồng ngô trước đây.
Đặc biệt, mô hình được liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, giúp nông dân yên tâm đầu ra cho sản phẩm.
Tham gia mô hình trồng cây chanh leo có 147 hộ, được hỗ trợ 100% tiền mua cây giống chanh leo Đài Nông 1 do Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc cung cấp, 100% số lượng vôi bột và 50% số cột trụ bê tông với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đầu tư. Cùng với đó, các hộ còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật ngay ngoài thực địa bằng biện pháp cầm tay chỉ việc cụ thể. Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Phù Yên cho biết: Cây chanh leo dễ trồng, vốn đầu tư làm giàn ít và sử dụng được lâu dài, thời gian thu hoạch quả từ 4 đến 5 năm mới phải trồng lại. Yêu cầu người trồng phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện những cây chết và trồng bổ sung kịp thời. Đồng thời, thường xuyên làm sạch cỏ dại dưới giàn chanh leo và tưới nước cho cây, nhất là trong giai đoạn ra hoa và nuôi quả, nếu thiếu nước sẽ làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cụ thể: Giống chanh leo Đài Nông 1 có khả năng tự thụ phấn cao, ít biến dị. Nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật cây phát triển tốt, sau 6 tháng trồng trên địa bàn, qua khảo sát đánh giá, cây chanh leo cho năng suất đạt 3 tấn/ha, với giá thu mua trung bình khoảng 15 nghìn đồng/kg, người trồng chanh leo thu về tối thiểu 45 triệu đồng/ha và được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Theo tính toán sơ bộ, trên 1 ha đất, nếu như trước đây, mỗi năm người dân trồng ngô chỉ cho thu nhập chưa đến 20 triệu đồng, thì khi trồng cây chanh leo, người dân đã có thu nhập 45 triệu đồng. Như vậy có thể khẳng định mô hình trồng cây chanh leo là một hướng đi mới cho người dân địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Là hộ tham gia trồng hơn 6.000 m2 cây chanh leo, ông Lường Văn Mạnh, bản Han 1, xã Mường Do, chia sẻ: Trước đây, cũng trên diện tích này, gia đình tôi đã trồng ngô, nhưng qua nhiều năm, đất bị bạc màu kéo theo năng suất, chất lượng giảm xuống, bên cạnh đó, giá ngô không ổn định nên hiệu quả kinh tế không cao. Tham gia vào Dự án trồng chanh leo, gia đình tôi trồng cùng một lô với gia đình ông Lường Văn Khuyên, bản Han 2. Đến nay, vườn chanh leo đã thu hoạch lứa đầu tiên được 6 tạ quả, với giá bán 15 nghìn đồng/kg, gia đình tôi đã thu được gần 9 triệu đồng. Tôi thấy cây chanh leo phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu nơi đây, nên phát triển rất tốt. Hiện, cây vẫn đang tiếp tục cho thu quả, bà con chúng tôi phấn khởi lắm.
Có thể thấy, cây chanh leo đã thực sự là một trong những giống cây đem lại hiệu quả thiết thực, vừa tạo thu nhập cho người dân, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bà con yên tâm đầu ra cho sản phẩm đã được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua với giá ổn định. Đây là tín hiệu đáng mừng, là hướng đi mới đang cần được nhân rộng tại địa phương.