BVR&MT – Là xã thuần nông, thời gian qua, xã Hòa Kiến (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, địa phương này đã hình thành được các vùng chuyên canh hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Theo UBND xã Hòa Kiến, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương có hơn 1.700ha, chiếm khoảng 60% diện tích đất tự nhiên của toàn xã, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tận dụng lợi thế này, xã Hòa Kiến đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Một trong những loại cây trồng phổ biến ở xã Hòa Kiến hiện nay là cây lúa. Tổng diện tích sản xuất lúa của toàn xã khoảng 500ha với năng suất bình quân 78 tạ/ha. Để nâng cao hiệu quả từ trồng lúa, địa phương này thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức nhiều mô hình trình diễn, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất cho người dân. Đến nay, hầu hết bà con đã biết ứng dụng các kỹ thuật cơ bản vào sản xuất lúa như sạ hàng, sạ thưa, sử dụng lúa giống chất lượng, cân đối phân thuốc. Đặc biệt, hầu hết người dân đã ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu gieo sạ và thu hoạch lúa, giúp giảm chi phí sản xuất. Bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Quan Quang cho hay: Khi đồng loạt áp dụng đầy đủ các biện pháp từ chọn giống lúa thuần để sản xuất, sạ hàng và sạ thưa, bón phân cân đối, thu hoạch bằng máy liên hợp đã giúp cho năng suất lúa tăng lên, sâu bệnh giảm, chi phí giảm. Vụ hè thu vừa qua, 1,5 mẫu ruộng (1 mẫu: 5.000m2) của tôi thu hoạch được gần 6 tấn lúa, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Ngoài cây lúa, hiện nay địa phương này còn phát triển sản xuất một số loại rau màu có tính cạnh tranh cao như hành lá, đu đủ, dưa leo, khổ qua… Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Hòa Kiến Tô Văn Toản cho hay: Ngoài diện tích đất chuyên trồng lúa, trên địa bàn xã có nhiều vùng đất phẩn, nhiều khu vực ở xa nguồn tưới của hệ thống thủy nông Đồng Cam nên thường bị khô hạn, không hiệu quả khi sản xuất lúa. Khắc phục nhược điểm này, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên các vùng đất này, địa phương hướng dẫn bà con chuyển sang canh tác các loại hoa màu như đu đủ, hành lá, dưa leo, khổ qua… Khi sản xuất bà con đào giếng để chủ động nước tưới nên canh tác được quanh năm, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đến nay, xã Hòa Kiến đã hình thành được một số vùng chuyên canh hoa màu ở các thôn Sơn Thọ và Cẩm Tú với diện tích sản xuất khoảng 60ha. Bình quân, mỗi héc ta cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Theo ông Nguyễn Ngọc Thọ ở thôn Sơn Thọ, khoảng 5 năm nay, cây hành trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình ông, giúp vợ chồng trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Hiện gia đình ông có 10 sào đất trồng hành, mỗi năm canh tác được 8 vụ (mỗi vụ trồng khoảng 4 sào), sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng.
Xác định hoa màu là cây trồng có tính cạnh tranh cao, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, xã Hòa Kiến thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, mô hình trình diễn… để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất. Ông Tô Tấn Nguyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Hòa Kiến 1, cho biết: Hiện nay, toàn HTX có khoảng 100 hội viên sản xuất hoa màu, trong đó cây hành là chủ yếu với diện tích sản xuất lên đến 30ha. Thời gian qua, đơn vị chủ động phối hợp cùng Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và Phòng Kinh tế thành phố tổ chức các mô hình về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau màu, quản lý sâu bệnh hại; các lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh, chăm sóc hành cho bà con.
Ông Tô Văn Toản khẳng định: Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Từ sản xuất nông nghiệp, bà con có thu nhập và ổn định cuộc sống. Thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ứng dụng và tiếp cận nhiều phương pháp canh tác hiện đại, giống cây trồng hiệu quả cao. Đặc biệt, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đang thực hiện mô hình sản xuất hoa màu VietGAP trên diện tích 10ha tại thôn Sơn Thọ và Cẩm Tú.