BVR&MT – Ô nhiễm môi trường có thể tác động không nhỏ đến kinh tế và xã hội, nhất là khi Việt Nam lại thuộc nhóm 5 quốc gia bị đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những tác động do suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu mang lại. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những rủi ro như vậy cũng có thể được hạn chế nhờ vào hành lang pháp lý.
Cuộc hội thảo mới đây tại Đại học Luật TPHCM quanh một số vấn đề pháp lý trong bảo vệ môi trường đã phần nào cho thấy những kinh nghiệm bước đầu từ thế giới.
Pháp lý vẫn chưa “phủ sóng” hết thực tiễn
Sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường luôn là bài toán khó với các nền kinh tế nói chung. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Thực tế, đã có những lúc vì ưu tiên sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế mà quyền lợi tự nhiên của cộng đồng cư dân địa phương đã bị tác động. Tuy nhiên, các tranh chấp môi trường thường mang đặc điểm chung là có nhiều người bị ảnh hưởng và khó xác định thiệt hại. Vì vậy, giải pháp chính quyền thay mặt người dân đứng ra thương lượng bồi thường với doanh nghiệp gây ô nhiễm trong những sự cố lớn là phương án tốt nhất lúc này.
Thế nhưng theo một số chuyên gia tại hội thảo, đôi khi những cơ chế và chính sách giải quyết tranh chấp môi trường vẫn chưa thể “phủ sóng” hết thực tiễn.
Kinh nghiệm từ thế giới
Nếu như nói về các kinh nghiệm quản lý Nhà nước trong bảo vệ môi trường thì những chuẩn mực của Liên minh châu Âu (EU) được cho là bước đầu đã có được những thành công nhất định. Thời gian gần đây, nhiều nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Malaysia, Ai Cập… cũng đã và đang theo đuổi kinh nghiệm của EU trong xác định các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nhiều nhất tại “Danh sách đỏ”. Từ đó, xây dựng các tiêu chuẩn môi trường mới có thể đạt được bằng cách áp dụng những công nghệ tốt nhất hiện có (gọi tắt là BAT) vào các ngành công nghiệp này.
Theo đó, Nga và Hàn Quốc đã lập cơ chế kiểm soát xả thải của các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm nhất bằng cách áp dụng các công cụ kinh tế như thu thêm phí xả thải vượt định mức và yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm môi trường bắt buộc. Tất nhiên, cũng sẽ có lộ trình thích hợp để doanh nghiệp thuộc những ngành công nghiệp trong danh sách ấy đủ thời gian nâng cấp công nghệ đáp ứng quy định.
Còn theo kinh nghiệm kiểm soát môi trường ở đảo quốc sư tử, GS. Gary Chan Kok Yew từ ĐH Quản trị Singapore cho hay, bên cạnh việc áp dụng cả trách nhiệm dân sự và hình sự cùng các biện pháp pháp lý khác, Singapore còn sử dụng giáo dục và các nỗ lực cộng đồng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điển hình như Dự án Chương trình Tình nguyện Cộng đồng thực hiện từ 2013 (NEA) giúp giải quyết các vấn đề rác thải. Theo đó, NEA có thể chỉ định công dân trên 18 tuổi hoặc người thường trú dài hạn vào vị trí “công chức phụ”, có quyền hạn thực thi tương đương với viên chức của cơ quan bảo vệ môi trường trong đối phó với những hành vi của các cư dân gây ra ô nhiễm.
Những vận dụng tại Việt Nam
Cho dù Luật Bảo vệ môi trường đã có yêu cầu về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện dự án, nhưng những băn khoăn về tính chuẩn xác của những dự án có tuổi đời 20, 30 năm hoặc lâu hơn thế nữa là có thật.
Vậy nên, vào tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ TN&MT lập “Danh sách đỏ” cho Việt Nam.
Theo TS. Michael Parsons, một chuyên gia về chính sách môi trường có nhiều năm hợp tác, làm việc với Bộ TN&MT Việt Nam, bước đầu “Danh sách đỏ” Việt Nam đã gọi tên 20 ngành sản xuất có lượng xả thải lớn với nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đồng thời, Bộ TN&MT đang rà soát lại Luật Bảo vệ môi trường (2014), có xem xét đến kinh nghiệm quốc tế để thiết lập thêm công cụ kinh tế phù hợp cho Việt Nam.
Cũng theo TS. Michael Parsons, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc quản lý các hoạt động xả thải của những cơ sở trong “Danh sách đỏ” được thực hiện tốt nhất thông qua việc cấp phép môi trường hợp nhất với các quy định cụ thể về giới hạn phát thải theo BAT. Trong đó, có các quy định giới hạn phát thải vào đất, nước và không khí.
Ngoài ra, nhà tư vấn này còn cho biết ngành TN&MT cũng đang trao đổi với các nhà bảo hiểm về những vấn đề liên quan đến bảo hiểm môi trường để có thêm cơ sở tham vấn cho những quy định pháp lý mới. “Bảo hiểm sẽ giúp các doanh nghiệp có rủi ro gây ô nhiễm cao tránh được nguy cơ thiệt hại quá lớn, thậm chí phá sản khi có sự cố môi trường xảy ra”, TS. Michael Parsons khẳng định.
Không thể phủ nhận công nghiệp hóa đã giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh chóng và đặt chân vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng điều này cũng đòi hỏi thiết chế pháp lý cho bảo vệ môi trường rõ ràng đang cần đến rất nhiều nỗ lực.