BVR&MT – Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Đức đề nghị nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, là người đứng đầu đặc khu kinh tế Phú Quốc.
Tại hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hành chính địa phương Việt Nam – Nhật Bản 2017 tuần qua, ông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, nên tổ chức chính quyền đô thị Phú Quốc một cấp hành chính chỉ có HĐND đặc khu.
Dưới đó tổ chức các tiểu khu là các ban đại diện hành chính của đặc khu, không tổ chức HĐND ở trị trấn và các xã như hiện nay. Nhiệm vụ của các tiểu khu được quy định rõ do yêu cầu phân cấp, ủy quyền của Chủ tịch UBND đặc khu kinh tế.
Về nhân sự, thực hiện bổ nhiệm đối với trưởng và ủy viên ban đại diện hành chính tiểu khu khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
“Nên nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu, là người đứng đầu đặc khu kinh tế. Chủ tịch UBND đặc khu được bổ nhiệm thông qua giới thiệu của HĐND”, ông đề nghị.
Chủ tịch UBND đặc khu được bổ nhiệm cấp phó
Theo ông Đức, để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, Chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm cấp phó thông qua giới thiệu của HĐND.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát lại nhiệm vụ của UBND huyện đảo và ban quản lý khu kinh tế để nghiên cứu hợp nhất lại.
“Đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ: KH-ĐT, Tư pháp, Tài chính, UBND tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc rà soát và làm rõ hơn các nhóm thẩm quyền: của Chính phủ, của Thủ tướng, của bộ ngành TƯ, của Chủ tịch UBND tỉnh hiện nay được chuyển giao cho UBND đặc khu kinh tế quyết định”, ông Đức nói.
Theo ông, khi đã nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu kinh tế sẽ phải xây dựng đề án cụ thể, sáp nhập một số phòng ban chuyên môn và các ban Đảng về một đầu mối để quản lý điều hành thống nhất. Ví dụ như sáp nhập Ban Tổ chức huyện ủy với Phòng Nội vụ, UB Kiểm tra với Thanh tra…
Đồng thời tăng cường điều động số lượng cán bộ, công chức của huyện xuống cơ sở do sắp xếp sáp nhập các phòng ban chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng quản lý điều hành ở cơ sở.
Nguyên Vụ trưởng cũng đề nghị có cơ chế tiền lương đặc thù với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại đặc khu kinh tế để thu hút nhân lực trình độ cao.
“Chủ tịch UBND đặc khu kinh tế được thuê chuyên gia nước ngoài và ký hợp đồng làm việc với công chức, viên chức (trừ một số vị trí do bầu cử, chỉ định) trên cơ sở thỏa thuận về mức lương và công việc được giao”, ông Đức đề xuất.
Người đứng đầu phải trí tuệ, công tâm
Trao đổi về mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, chắc chắn nhiều người ủng hộ vì mô hình này làm cho bộ máy tinh gọn, giảm thiểu được các tầng nấc trung gian giữa hệ thống này với hệ thống kia.
Tuy nhiên, ông lưu ý, quan trọng là chọn được người vừa đứng đầu cấp ủy, vừa đứng đầu chính quyền phải là người thực sự trí tuệ, công tâm thì mới điều hành hệ thống lồng ghép như vậy được.
“Sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí là đại họa nếu người đứng đầu bất tài, tâm lại không trong sáng”, ông cảnh báo.
“Chủ trương nhất thể hóa đúng đắn nhưng phải chọn được người ngang tầm, xứng đáng thì mới hiệu quả”, ông nhấn mạnh.