BVR&MT – Liên quan đến thông tin phản ánh tình trạng nợ đọng thuế phí từ mảnh đất được mệnh danh “núi quặng” Cao Bằng trong suốt nhiều năm qua, mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho biết: “Để chấn chỉnh hoạt động khai khoáng, trong tháng 3/2017, doanh nghiệp nào không chấp hành nghĩa vụ thuế phí, nếu phải trả mỏ, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi.”
Theo thống kê của ngành thuế tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 31/12/2016, trên địa bàn tỉnh có 74 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, đáng chú ý nhất là quặng sắt, mănggan, than…nhưng nguồn thu ngân sách của việc này hiện nay rất ít. Trong đó, nhiều doanh nghiệp còn để nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm, chưa kể tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước và sau khi đi vào khai thác mỏ.
Nhìn nhận thực tế trên, bà Chu Thúy Oanh, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã áp dụng mọi biện pháp “mạnh tay” để truy thu thuế phí, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn dây dưa, kêu khó nên đến nay việc thu thuế phí vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
“Đơn cử như năm 2016, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn phải nộp 136 tỷ đồng tiền thuế, phí, nhưng đến ngày 24/2/2017, các doanh nghiệp nợ thuế phí mới đóng được hơn 65 tỷ đồng,” bà Oanh nói.
Bà Oanh cũng cho biết, trong số các doanh nghiệp khai khoáng, Công ty cổ phần măng gan Cao Bằng là một trông số các doanh nghiệp nợ lớn. Tuy nhiên, do gặp khó khăn (giá cả thị trường xuống thấp…) nên doanh nghiệp này xin đóng hóa đơn, đến lúc phát sinh doanh thu sẽ mở hóa đơn, và nộp thuế tối thiểu 15% số nợ.
“Trên cơ sở đó, đến cuối năm 2016, khi chúng tôi mở hóa đơn, Công ty cổ phần măng gan Cao Bằng cũng đã chấp hành nghĩa vụ thuế phí. Đến nay, doanh nghiệp này đã nộp được 300 triệu đồng số tiền nợ thuế,” bà Oanh nói.
Một trường hợp nợ đọng thuế phí khác cũng được bà Oanh nhắc đến sau khi bị lãnh đạo tỉnh Cao Bằng “gọi tên” là Công ty cổ phần khoáng sản Tây Giang Cao Bằng. Hiện doanh nghiệp này còn nợ 3,9 tỷ đồng. Theo bà Oanh, nhiều năm qua, việc chấp hành thuế phí của doanh nghiệp này cũng rất kém.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus trước thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Thảo lưu ý, nhiều năm qua, tỉnh Cao Bằng cũng đã có biện pháp mạnh là không giải quyết thủ tục hành chính, để đảm bảo thực hiện xong thuế mới làm thủ tục hành chính liên quan đến tài nguyên. Qua nhiều biện pháp mạnh như thế, một số đơn vị mới chịu thực hiện.
Mặc dù vậy, còn một số doanh nghiệp vẫn chưa chịu thực hiện, nhất là các hợp tác xã khai thác đá, vật liệu xây dựng thông thường. Nguyên nhân là vốn của các đơn vị này ít, chỉ vài trăm triệu đồng vì trước đây chưa có nghĩa vụ cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sau khi có quy định về cấp mỏ khoáng sản, vốn tiền rất lớn (khoảng 1 tỷ, 2 tỷ), nên một số đơn vị xin thôi, không dám làm.
“Chính vì thế, quan điểm của tỉnh là phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm tốt, giúp họ giãn nợ, kéo dài thời gian, căn cứ vào quy định pháp luật. Còn đơn vị nào cố tình không thực hiện, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý, thu hồi mỏ,” ông Thảo quả quyết.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 63 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 53 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; 10 giấy phép khai thác khoáng sản khác. Để chống thất thu ngân sách trong hoạt động khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thuế, phí còn nợ. Đồng thời đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh đình chỉ hoạt động khoáng sản đối với một số đơn vị không thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong năm 2016. |