BVR&MT – Ngày 1/9/2017, UBND tỉnh Hà Giang gửi Văn bản hỏa tốc số 3491/UBND-KTN yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở ban ngành tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và dự thảo Kế hoạch kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật của các dự án thủy điện đã vận hành, khai thác và đang đầu tư xây dựng trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/9/2017.
Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào các hoạt động về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, điện lực, dịch vụ môi trường rừng, tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, việc khắc phục tình trạng sụt lún, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, đời sống sinh hoạt của nhân dân… và các vấn đề liên quan khác.
Trước đó, ngày 14/8/2017, Bộ Công Thương cũng ban hành Văn bản số 3111/QĐ-BTC về việc phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo đó, có 9 thủy điện nhỏ được phê duyệt với tổng công suất 86,7 MW gồm: Thủy điện Nậm Mạ 1, thủy điện Nậm Ngần 2, Nậm Má 1, Sông Chảy 3, Sông Chảy 4, Nậm Khòa, Nậm Hóp, Mận Thắng và Thanh thủy 1B. Định hướng quy hoạch này cho thấy địa phương sẽ tiếp tục phát triển thủy điện vừa và nhỏ tại một số huyện, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Vị Xuyên (4 dự án), huyện Hoàng Su Phì (2 dự án), huyện Quang Bình (2 dự án).
Bên cạnh những ích lợi về kinh tế, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Giang cũng tồn tại rất nhiều bất cập, từ việc không đảm bảo thủ tục, giấy phép theo đúng quy trình cho tới việc chậm trễ trong đền bù, bồi thường, tái định cư và vận hành sai quy trình, gây tác động xấu tới môi trường, cơ sở vật chất và đời sống người dân địa phương. Loạt bài Mảng tối của những “công trình ánh sáng” được đăng tải trên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đã phản ánh rất rõ thực trạng này, trong đó có nhiều kỳ thông tin cụ thể về các dự án thủy điện ở tỉnh Hà Giang. Mặc dù UBND tỉnh đã rốt ráo xử lý sai phạm, song mối lo ngại về những dự án năng lượng này vẫn chưa nguôi.
Ngày 6/9 vừa qua, bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đã đi kiểm tra tình trạng sạt lở và sụt lún (tại km 79+ 600 và km 82 + 600) tỉnh lộ 177, đoạn qua thôn Díu Hạ, xã Bản Díu, huyện Xín Mần, trong đó nguyên nhân sụt lún, sạt lở ban đầu được xác định là do việc tích nước lòng hồ Thủy điện Sông Chảy 5. Toàn bộ mặt đường với chiều dài mỗi điểm trên 30m đều bị sụt sâu, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông trên địa bàn. Bà Hạnh yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Chảy 5 khẩn trương có phương án khắc phục kiên cố, trình UBND tỉnh xem xét trước ngày 20/9.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, tính đến cuối tháng 8/2017, trên địa bàn tỉnh có 24 nhà máy thủy điện hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 488,5MW và 12 thủy điện đang thi công với tổng công suất 235,7MW. |
Văn Hoàng