BVR&MT – Yên Bái là tỉnh có diện tích Quế lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc, mỗi năm khai thác gần 5.000 tấn vỏ, chất lượng Quế thuộc hàng tốt nhất Việt Nam.
Với diện tích gần 30.000 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện: Văn Yên 16.000 ha, Trấn Yên 6.600 ha, Văn Chấn 5.000 ha… Quế là cây trồng truyền thống của đồng bào Dao, Tày. Mỗi khi con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng, cha mẹ đều trồng một đồi quế tặng con để làm vốn. Bởi thế các xã vùng cao: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Tân Hợp (Văn Yên), Quy Mông, Kiên Thành, Y Can (Trấn Yên), Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Búng, Sơn Lương (Văn Chấn) bà con trồng Quế với diện tích rất lớn. Cây Quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng Quế, hàng ngàn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây Quế.
So với nhiều cây trồng khác, cây Quế đã mang lại cho người dân một nguồn thu lớn và ổn định. Vùng Quế Văn Yên từ vài chục năm nay đã nổi tiếng trên thế giới, tháng 01 năm 2010 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế Văn Yên. Trước đây, cây Quế chỉ bán được vỏ. Hiện nay, thân, cành, lá đều bán được với giá cao. Vỏ Quế loại 1 đang được các cơ sở chế biến thu mua với giá từ 22.000-25.000 đ/kg và các sản phẩm phụ như quế chi, quế vụn cũng bán được 13.000-15.000 đ/kg còn lá quế bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu với giá từ 1.500-2.500 đ/kg. Thân quế sau khi bóc vỏ có đường kính từ 15 cm trở lên bán cho các cơ sở chế biến gỗ làm bao bì với giá từ 1,5-1,8 triệu/m3.
Với tiềm năng thị trường thì hiện nay nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới là rất lớn và luôn ở mức cung không đủ cầu. Như vậy, lợi nhuận thu được từ chưng cất tinh dầu quế là rất cao, cho nên thời gian gần đây các nhà máy, cơ sở chế biến tinh dầu quế được xây dựng không theo quy hoạch. Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 8 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với tổng công suất là 700 tấn/năm đặt ở các huyện có diện tích Quế tập trung gồm: Cty TNHH Hương liệu Việt Trung đặt tại xã Quy Mông xây dựng bằng vốn nước ngoài, công suất 100 tấn sản phẩm/năm; Cty TNHH Thương mại XNK Đạt Thành có hai nhà máy đặt tại xã Đông Cuông và Hoàng Thắng, tổng công suất 100 tấn/năm; HTX Bách Lâm đặt nhà máy tại xã Xuân Tầm, công suất 100 tấn/năm; Công ty CP LNS thực phẩm Yên Bái đặt nhà máy tại xã Sơn Lương, công suất 60 tấn/năm; Cty TNHH Trường An có hai nhà máy đặt tại xã Phong Dụ Hạ, công suất 170 tấn/năm; Cty TNHH Tân Thịnh đang tiến hành xây dựng nhà máy tại Xuân Ái, công suất 40 tấn/năm. Công ty TNHH Thương mại Nam Cường đặt tại xã Viễn Sơn, công suất 40 tấn/năm. Doanh nghiệp tư nhân Phúc Lợi đặt tại xã Ngòi A, công suất 40 tấn/năm. Ngoài ra, có hơn 200 cơ sở chưng cất tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, mỗi năm 300-800 kg/năm/1 cơ sở. Sản lượng tinh dầu quế năm 2011 của tỉnh Yên Bái đạt 186 tấn, chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2012 đạt 309 tấn, tăng 67 % so với năm 2011.
Theo tính toán, cứ 120-150 kg lá quế thì chưng cất được 1 kg tinh dầu với giá hiện nay từ 650.000-700.000 đ/kg. Do bán được giá và thị trường tiêu thụ ổn định nên các cơ sở chế biến tinh dầu quế ở Yên Bái đang tận thu lá quế và đua nhau nâng giá thu mua. Nếu trước đây các hộ chỉ bán lá quế ở những cây khai thác với giá 500-800 đ/kg, đến nay do giá thu mua khá hấp dẫn 1.500-2.500 đ/kg nên các hộ khai thác lá quế cả ở những cây đang phát triển.
Người thu mua đến tận đồi thuê người khai thác. Việc khai thác lá quế quá mức, giống như việc gặt lúa non đang tiềm ẩn những nguy cơ làm tàn kiệt, suy thoái rừng quế, khiến cho chất lượng chính của cây quế là vỏ không có tinh dầu, đồng nghĩa chất lượng quế Yên Bái xuống cấp. Điều này đang báo hiệu sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp nguyên liệu và nhà máy chế biến. Việc đẩy giá thu mua lá quế của các cơ sở chế biến đang dẫn dụ người dân khai thác kiệt quệ, tự phá rừng quế của mình.
Các cơ sở chưng cất tinh dầu quế nhỏ lẻ hoạt động theo phương pháp thủ công, không theo quy trình khép kín nên khói bụi, phế liệu sau chưng cất không được xử lý kịp thời đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Hiện chưa có chế tài xử lý nghiêm. Khai thác và chặt tỉa cành quá mức, không có kế hoạch và tận thu nguyên liệu quá mức đã tác động xấu, gây ô nhiêm môi trường sống, gây ảnh hưởng đến thương hiệu quế. Sản phẩm tinh dầu quế mà các nhà máy sản xuất ra mới chỉ là sản phẩm tinh dầu thô, có giá trị thấp. Sản phẩm tinh dầu quế này sau khi xuất khẩu, tiếp tục được tinh chế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Công tác phòng chống cháy nổ của các cơ sở chế biến chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, dẫn đến trong năm 2012 đã xảy ra 3 vụ cháy gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Thấy trước nguy cơ này, một số ngành chức năng của tỉnh đã có những kiến nghị đề nghị tạm dừng việc cấp giấy phép xây dựng mới cơ sở chế biến tinh dầu quế trên địa bàn, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo và đưa ra quy trình khai thác lá cành phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế.
Để phát triển cây Quế một cách bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng quế trên địa bàn. Những hướng đi đó sẽ mang lại nhiều triển vọng cho cây quế phát triển đúng với tiềm năng của nó, người dân yên tâm trồng, phát triển vững chắc diện tích quế, đem lại hiệu quả lâu dài, góp phần xoá đói nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Mời gọi đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bao gồm đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ và công nghệ sản xuất giống, hỗ trợ xây dựng hệ thống đường vận chuyển trong vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Quế. Trong khai thác, cần hướng dẫn cho đồng bào khai thác hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây Quế. Tránh tận thu quá mức, khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây, tỉa cành không khoa học, tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến đang hoạt động cần hỗ trợ người dân tiền giống, vườn ươm, làm đường giao thông đến vùng khó khăn để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến; bảo đảm chất lượng sản phẩm và hướng mạnh vào xuất khẩu trực tiếp, bảo vệ thương hiệu để cho hương Quế Yên Bái mãi bay xa, giúp đồng bào Dao, Tày, Khơ Mú trong vùng đẩy cái nghèo vốn vẫn đeo đẳng bấy lâu nay.