BVR&MT – Theo dự báo, bão số 4 khả năng gây mưa to đến rất to ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi với lượng mưa phổ biến từ 100 đến 300mm, cục bộ có nơi hơn 500mm; khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60mm, có nơi hơn 100mm.
Nhằm bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt do mưa lớn ảnh hưởng bão, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có Công điện số 12/CĐ-TL-ATĐ điện Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa), Tây Nguyên và các công ty khai thác công trình thủy lợi…
Trên cơ sở đó, Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương và các đơn vị liên quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập; kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng hệ thống cấp nước sẽ bị ảnh hưởng, có phương án bảo đảm cung cấp nước cho người dân.
Rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; chủ động tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp thu, trữ, xử lý nước đơn giản trong trường hợp không có nước sạch và sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; thông báo cho người dân chủ động tích trữ nước tại hộ gia đình để bảo đảm nước sinh hoạt phòng sự cố xảy ra.
Đồng thời xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó, bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không bảo đảm an toàn, cần xem xét tích nước hạn chế hoặc không tích nước.
Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt. Đối với các hồ chứa có cửa van xả lũ, căn cứ vào tình hình dự báo mưa để thực hiện điều chỉnh mực nước hồ nhằm chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du đồng thời tích nước bảo đảm phục vụ sản xuất. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố để kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”…