BVR&MT – Theo quy định, hoạt động khai thác cát, sỏi trong hồ tuyệt đối không để gây ô nhiễm nguồn nước; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ; không làm suy giảm chức năng, nhiệm vụ của hồ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, Nghị định 53/2024/NĐ-CP của Chính phủ Chính phủ quy định rõ các yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trong hồ. Theo đó, việc khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và các yêu cầu: Phải gắn với yêu cầu nạo vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ; vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác và chế độ khai thác phải được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản đảm bảo không gây xói lở để bảo vệ lòng, bờ hồ.
Không gây ô nhiễm nguồn nước; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ; không làm suy giảm chức năng, nhiệm vụ của hồ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi thì phải tuân thủ các quy định pháp luật về thủy lợi, pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa.
Tại Điều 65 Nghị định 53/2024 cũng quy định về đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ. Theo đó, các dự án phải thực hiện đánh giá tác động của hoạt động đó đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông, hồ; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, bồi, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi, suy giảm mực nước trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan (gọi chung là đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ) và có phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.
Việc đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ phải đáp ứng các yêu cầu: Phải đánh giá cụ thể các tác động đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, hồ và các vùng đất ven sông, hồ; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ trong mùa lũ; diễn biến bồi lắng, sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; sự suy giảm mực nước trong mùa cạn và ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác nước trên sông, hồ.
Trường hợp khai thác cát, sỏi, nạo vét, khơi thông luồng, kè bờ, xây dựng công trình trên sông, ven sông khác nhau thì việc đánh giá được thực hiện theo các phương án khác nhau tương ứng với từng kịch bản về dòng chảy lũ, kiệt khác nhau, bao gồm cả kịch bản bất lợi nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Phải luận chứng, thuyết minh làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ theo quy định của Nghị định này và lựa chọn, đề xuất phương án thực hiện để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ bao gồm phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện và các cam kết trong quá trình thực hiện nhằm giảm thiểu các tác động đến lòng, bờ, bãi sông, hồ; Nội dung phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và các yêu cầu, điều kiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ đối với các dự án có hoạt động quy định phải được thể hiện trong Quyết định phê duyệt kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Hậu Thạch