BVR&MT – Kinh tế-xã hội ngày càng phát triển kéo theo lượng rác thải sinh hoạt tại tỉnh Thái Nguyên ngày càng lớn, trong khi việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường và khiến người dân nhiều nơi bức xúc.
Để bảo vệ môi trường một cách bền vững, Thái Nguyên cần khẩn trương thu hút đầu tư xây dựng một số nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại.
Bất cập đề án phân loại rác thải
Năm 2021, thành phố Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong tỉnh ban hành đề án thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đề án chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, cung cấp thùng chứa rác với mầu sắc dễ nhận biết để hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải đốt được, không đốt được ngay tại nguồn; lắp đặt thùng chứa rác đã phân loại ở các tuyến phố chính, trường học, nơi tập trung đông người.
Là một trong những đơn vị được giao thực hiện đề án, Trưởng ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Các cấp, phòng, ban chức năng và các đoàn thể đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên chưa thành công. Dù được cấp phát túi, thùng đựng rác, hầu hết người dân không thực hiện phân loại rác tại gia đình, thậm chí sử dụng thùng đựng rác vào việc khác. Còn thùng đựng rác phân loại được lắp đặt tại các tuyến phố, trường học, nơi công cộng bị hư hỏng, mất trộm, hoặc bị phá do người dân không muốn để thùng đựng rác trước cửa nhà mình”.
Điều đáng nói là việc thu gom rác sau phân loại cũng “phá sản” ngay từ đầu. Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên Tăng Anh Trường chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư xe thu gom, chở rác sau khi đã được phân loại, nhưng không có rác được phân loại tại nguồn để chở. Trên địa bàn không có vị trí tập kết rác tạm thời để phân loại; việc phân loại rác mất nhiều thời gian và nhân lực, nhưng không được ban hành đơn giá nên không thể phân loại được. Do đó phải trộn lẫn các loại rác trong quá trình thu gom, vận chuyển”.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, rác thải phải được phân loại tại nguồn từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, ở nhiều nơi tại tỉnh Thái Nguyên, nhất là đô thị, thị trấn, thị tứ, khu đông dân cư, người dân chưa có ý thức về việc này. Ở nhiều vùng nông thôn, rác thải không được thu gom để xử lý mà người dân tích trữ rác vào bao tải rồi vứt xuống sông, suối, ao hồ gây ô nhiễm môi trường.
Công nghệ xử lý rác lạc hậu
Mỗi ngày, thành phố Thái Nguyên thu gom, vận chuyển, xử lý 200 tấn rác tại “tổ hợp” Đá Mài , trong đó 70 tấn được đốt tại nhà máy đốt rác Đá Mài, số còn lại mang đi chôn lấp tại bãi rác gần đó. Được coi là địa chỉ xử lý rác hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh, nhưng bãi chôn lấp rác Đá Mài với hồ thu gom, xử lý nước rỉ rác có nguy cơ bị chảy tràn khi mưa lớn; khói bụi của nhà máy đốt rác được lọc, lắng qua nước trước khi thải ra môi trường, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao.
Thời gian qua, người dân nhiều địa phương đã bức xúc về tình trạng nước thải từ bãi xử lý rác, nhà máy đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường. Tại xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công, người dân rất xót xa trước tình trạng đất nông nghiệp của mình bị bỏ hoang do nước rỉ rác từ bãi rác Sông Công chảy ra gây ô nhiễm đất. Đặc biệt những ngày nắng nóng gần đây, người dân xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên còn phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ bãi rác; bụi mịn, mầu đen với mật độ cao, bám vào bề mặt đồ dùng, vật dụng, nền nhà, cây cối ảnh hưởng đến sức khỏe của người già, trẻ em.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sông Công Vũ Duy Nghĩa cho biết: “Ủy ban đã chỉ đạo phòng, ban chức năng của thành phố kiểm tra, và cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc mức độ ô nhiễm, kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với bãi rác Sông Công”.
Tại Nhà máy xử lý rác thải Việt Xuân Mới ở xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên, nhiều thời điểm nhà máy xả khói mầu trắng, có lúc mầu đen, mùi khét, làm cho nhiều người hít phải thấy khó thở, đau đầu, mệt mỏi. Nhân dân địa phương cho rằng, khói bụi của nhà máy không được xử lý triệt để gây nên tình trạng nêu trên. Tình trạng ô nhiễm tương tự cũng diễn ra tại bãi rác Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ.
Việc thu gom, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt, rõ ràng đang là vấn đề nan giải đối với các địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên. Lo ngại ô nhiễm, hầu hết người dân không ủng hộ việc mở rộng diện tích, hoặc đặt bãi chôn lấp, nhà máy đốt rác thải tại địa phương mình, trong khi các bãi chôn lấp rác thải hiện đã quá tải, còn đầu tư các bãi chôn lấp rác mới khó khả thi, vì phương pháp xử lý rác đã quá lạc hậu, không chỉ chiếm nhiều diện tích đất mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Thái Nguyên cần đầu tư những nhà máy đốt rác thải phát điện với công nghệ hiện đại. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường Phúc Thành Cù Xuân Dũng chia sẻ: “Công ty chúng tôi đã lập dự án nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất 10MW đặt tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, công suất xử lý 480 tấn rác/ngày, vốn đầu tư khoảng sáu triệu USD. Nhà máy sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, xỉ đáy lò và tro bay được thu gom triệt để và tái sử dụng. Chúng tôi đang chờ cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy hoạch điện và các thủ tục hành chính để dự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án”.
Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ cũng đã quy hoạch khu vực xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Nam Hòa và Cây Thị để thay thế bãi rác Phúc Thành đang gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Dự án đã nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư, trong đó có Công ty cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình đề xuất đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế rác thải Đồng Hỷ, công suất xử lý 1.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Vũ Quang Dũng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục pháp lý và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao Đồng Hỷ nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ■