BVR&MT – Cùng với tạo môi trường thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh thì Hải Dương cũng cần kiên quyết hơn nữa trong việc thu hồi đất đối với những dự án thực hiện không đúng các quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư 4 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cũng trong tháng 3/2024, sau khi rà soát các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất tỉnh thu hồi dự án của 1 doanh nghiệp, lập danh sách 5 dự án của 4 doanh nghiệp khác. Điều này cho thấy, các ngành chức năng liên quan của tỉnh đã và đang có những động thái cứng rắn hơn để tham mưu cho tỉnh xử lý các dự án chậm triển khai hoặc vi phạm các quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, dư luận cho rằng tỉnh nên thực kiên quyết hơn nữa để xử lý các dự án không bảo đảm các điều kiện hoạt động, qua đó góp phần tránh lãng phí đất đai, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
Theo thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong số 4 dự án chấm dứt hoạt động có 2 dự án do nhà đầu tư tự chấm dứt. Còn 2 dự án bị chấm dứt hoạt động do hết thời hạn hoạt động của dự án và do không thực hiện điều chỉnh địa điểm đầu tư theo quy định. Trong danh sách 5 dự án của 4 doanh nghiệp Sở Tài nguyên và Môi trường lập thì hầu hết còn để đất trống chưa xây dựng công trình sau một thời gian dài được giao đất; có dự án vẫn nợ tiền thuê đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
Nhức nhối và đáng chú ý nhất trong số các dự án bị đề xuất chấm dứt hoạt động, thu hồi đất là dự án của Công ty CP Vinamit ở TP Hải Dương. Công ty này được UBND tỉnh cho thuê 347.000m2 (xấp xỉ 34,7 ha) đất ở các phường Ái Quốc và Nam Đồng (TP Hải Dương) vào năm 2008 để thực hiện dự án Nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau củ quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Dự án được kỳ vọng thúc đẩy ngành chế biến rau củ quả của tỉnh phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, dù nhiều lần được tỉnh gia hạn nhưng suốt 16 năm qua, gần 35 ha đất “bờ xôi, ruộng mật” vẫn đang bị bỏ hoang. Việc này làm cho nhân dân địa phương rất bức xúc, tạo hình ảnh xấu đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Trên đây mới chỉ là 10 dự án bị đề nghị thu hồi và đưa vào danh sách để cảnh báo nhưng đã cho thấy đang có hàng trăm nghìn m2 đất bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp bỏ hoang hoặc sử dụng đất không đúng mục đích còn nhiều. Việc này gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Bởi khi thu hồi đất nông nghiệp để bàn giao cho dự án của các doanh nghiệp, nhiều địa phương phải rất vất vả trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Khi thu hồi đất thực hiện dự án, các địa phương đều thuyết phục người dân khi dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, tăng thu ngân sách… Nhưng sau khi nhận bàn giao đất, doanh nghiệp để đất hoang hóa thì mọi mục tiêu của dự án cũng tiêu tan.
Qua nhiều năm theo dõi việc xử lý các dự án không bảo đảm điều kiện hoạt động, vi phạm các quy định về pháp luật, để đất hoang hóa, thời gian trước, tỉnh chưa kiên quyết thu hồi đất của các dự án này. Điển hình nhất là dự án của Công ty CP Vinamit, dễ có đến “dăm lần bảy lượt” tỉnh gia hạn và đều “thòng” thêm điều khoản là nếu không bảo đảm thời gian theo tiến độ đề ra hoặc cho phép gia hạn thì sẽ bị thu hồi. Nhưng đến nay dự án này vẫn bị bỏ hoang chình ình ngay cửa ngõ phía đông của TP Hải Dương. Vì vậy, cùng với việc tạo môi trường thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế – xã hội của Hải Dương phát triển thì tỉnh cần quyết liệt hơn nữa để thu hồi đất đối với những dự án của các doanh nghiệp thực hiện không đúng các quy định của pháp luật.