Hướng tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

BVR&MT – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký ban hành Quyết định số 538/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ “Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và tham gia các diễn đàn quốc tế về rác thải nhựa năm 2024”.

Rác thải vây kín đầm nước mặn Sa Huỳnh, Quảng Ngãi (ảnh chụp hồi tháng 8/2023). Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Kế hoạch nhằm tăng cường vai trò điều phối của cơ quan đầu mối Chương trình NPAP để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới; thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới trong bối cảnh chuyển giao và tăng cường vai trò của cơ quan chủ quản ở quốc gia hướng đến phát triển bền vững.

Kế hoạch hỗ trợ và tăng cường hiệu quả hoạt động của các nhóm kỹ thuật được thành lập trong khuôn khổ Chương trình NPAP dựa trên 6 trụ cột chính là đổi mới sáng tạo, tài chính, chính sách, bình đẳng giới và phát triển bao trùm, truyền thông và nâng cao nhận thức.

Việc triển khai kế hoạch đảm bảo các đối tác xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu thông qua các hội thảo tham vấn, các sự kiện bên lề tại những phiên đàm phán liên chính phủ, thể hiện quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn. Những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp tích cực của các bên liên quan trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (dự kiến thông qua vào năm 2024).

Kế hoạch cũng đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường trên phạm vi toàn cầu; đồng thời thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thường trực Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, có trách nhiệm chủ trì đàm phán và tiến tới thực thi Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sau khi được thông qua.

Kế hoạch duy trì việc đăng tải các thông tin về hoạt động hợp tác nhằm chia sẻ thông tin, quảng bá và triển khai các hoạt động truyền thông và nhận thức về vấn đề ô nhiễm nhựa, phù hợp với đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng, Chính phủ và quốc gia.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người. Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng, tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học. Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos Thụy Sĩ (năm 2019), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết Ý định thư liên quan xử lý rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với nội dung hỗ trợ Việt Nam tham gia sáng kiến Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa.

Để thực hiện Chương trình này, Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Ngày 19/11/2021, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2268/QĐ-BTNMT về việc thành lập Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) tại Việt Nam.

Dưới sự định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự điều phối và hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa đã xây dựng và mở rộng mạng lưới tham gia với gần 200 tổ chức doanh nghiệp. Qua đó kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đổi mới, sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa…

Đặc biệt năm 2023, với nguồn dữ liệu từ các thành viên nhóm kỹ thuật và thành viên mạng lưới Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa, một bản đồ sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo được xây dựng và tiếp tục cập nhật, hoàn thiện. Trong tổng số 138 chương trình, dự án, sáng kiến về giảm thiểu rác thải và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam hoặc dự án khu vực có hợp phần liên quan Việt Nam đã có 40 sáng kiển đổi mới sáng tạo hoàn thành thử nghiệm.

Tags:
CHIA SẺ