BVR&MT – Để xác lập vị thế tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến sản xuất bền vững.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị toàn quốc về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng mới đây, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc (một trong những đơn vị dẫn đầu cung cấp tôm giống chất lượng cho thị trường Việt Nam) cho rằng, muốn nâng cao giá trị gia tăng cho ngành tôm và định vị được con tôm Việt Nam trên thế giới, phải nâng cao giá trị gia tăng của tôm và hướng tới sản xuất bền vững.
Giảm lệ thuộc vào nhập khẩu
Ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng, công nghệ cao phục vụ sản xuất chính là vấn đề cốt lõi nhất, trong đó có công nghệ về tôm bố mẹ. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong các nước xuất khẩu tôm. Thời gian dài trước đây, Việt Nam gần như lệ thuộc hoàn toàn vào tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài như Mỹ, Singapore và Thái Lan. Nay những doanh nghiệp có công nghệ nuôi tôm bố mẹ sẽ giúp chủ động về số lượng và chất lượng.Hơn nữa, 99% thức ăn cho tôm tại Việt Nam là do các doanh nghiệp nước ngoài chủ động, dẫn đến giá thức ăn bị họ kiểm soát hoàn toàn; thức ăn cho tôm hiện nay vẫn bị trộn khá nhiều. Vì vậy, nếu Việt Nam sở hữu được công nghệ làm thức ăn cho tôm cũng sẽ giúp chủ động hơn trong phát triển ngành tôm.
heo ông Tuấn, việc định hướng, xúc tiến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cho ngành tôm, cần có phương pháp cụ thể để phát triển. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng để có thể thu hút và lan tỏa công nghệ cho người dân làm nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nó riêng. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao phụ thuộc vào năng lực của tổ chức (doanh nghiệp, hộ cá thể…) triển khai. Không có năng lực triển khai thì việc áp dụng công nghệ cao rất xa vời.
Phát huy vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp
Trong ngành tôm, công nghệ tôm bố mẹ là vấn đề then chốt trong phát triển một chuỗi giá trị. Để triển khai, ứng dụng công nghệ cao thành công, theo ông Đặng Quốc Tuấn, cần tăng cường năng lực quản trị, tài chính và khả năng thương mại hóa để tạo ra sản phẩm thực sự đi vào đời sống. Việc này cần sự kết hợp của nhiều bên, không phải một bên có thể chủ động. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo bởi vì họ là đơn vị trực tiếp đi đàm phán với các đối tác để nhập công nghệ về. Họ cũng chính là chủ thể triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, đồng thời cũng là người làm thương mại, mang lại giá trị, lợi ích thiết thực.
“Tiền doanh nghiệp bỏ ra nên nó phải mang lại lợi ích thực sự thì mới phát triển bền vững được”, ông Tuấn nói.
Như vậy, khi triển khai, ứng dụng công nghệ cao vào ngành tôm Việt Nam thì doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Tiếp đến là Nhà nước, vì phải có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ…
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần có một “sân chơi” bình đẳng với những chuẩn mực bài bản để khi triển khai công nghệ cao thì tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Nếu không hình thành một sân chơi bình đẳng theo chuẩn mực thì sự cạnh tranh không lành mạnh có thể sẽ phát sinh ra tiêu cực khiến những người tiên phong trong đầu tư sẽ không còn nhiệt huyết để làm vì họ không còn lợi ích về kinh tế.Theo ông Tuấn, vấn đề của ngành tôm Việt Nam là phải định vị được thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới để các đối tác đến Việt Nam tìm mua./.