BVR&MT – Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ đột phá của huyện Thanh Miện trong năm 2023.
Việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho huyện Thanh Miện.
Xây dựng nhiều mô hình điểm
Theo ông Hoàng Thành Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong, trước đây hầu hết các hộ dân trong xã chưa chú trọng phân loại rác thải tại nguồn. Do đó, công tác thu gom, xử lý rác gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, Hội Nông dân xã đã xây dựng mô hình “Phân loại rác thải tại gia đình làm phân bón hữu cơ” tại 135 hộ dân, rải đều ở 7 thôn. Các hộ sẽ phân loại rác thải làm 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và không thể tái chế. Rác hữu cơ sẽ được ủ với chế phẩm sinh học để làm phân bón. Xã sẽ thu gom rác không thể tái chế để xử lý.
“Chúng tôi đã chủ động tuyên truyền về lợi ích phân loại rác tại nguồn cho người dân hiểu rõ. Đồng thời hỗ trợ kinh phí mua bể phân loại, xử lý rác thải, chế phẩm sinh học… nên thu hút đông đảo người dân tham gia. Lượng rác thải ra môi trường nhờ đó đã giảm khoảng 40% so với trước”, ông Mạnh cho biết.
Hiện mô hình trên được Hội Nông dân huyện nhân rộng tại các xã Tân Trào, Đoàn Kết với trên 100 hộ dân tham gia.
Từ đầu năm đến nay, xã Tứ Cường đã thành lập được 354 tổ tự quản với gần 600 thành viên. Lực lượng nòng cốt của tổ tự quản là các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các ban, ngành, đoàn thể… Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mô hình, chung tay bảo vệ môi trường, phát triển phong trào “sạch từ nhà ra ngõ”… Tổ chức quét dọn đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, chăm sóc cây xanh định kỳ 1 tuần/lần.
“Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Tứ Cường luôn chú trọng tiêu chí môi trường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các đoàn thể đã vận động nhân dân tham gia xây dựng tổ tự quản vệ sinh môi trường. Đến nay, 100% số hộ đã ký cam kết chung tay bảo vệ môi trường, chủ động thu gom, phân loại rác thải và thay đổi các thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến môi trường”, ông Vũ Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Tứ Cường cho biết.
Nhờ hoạt động hiệu quả, tổ tự quản vệ sinh môi trường đã được nhân rộng ra khắp các địa phương trong huyện. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 1.630 tổ, thu hút gần 20.000 người tham gia.
Hiệu quả thiết thực
Nhằm thực hiện công việc đột phá của huyện Thanh Miện, đầu năm 2023, Hội Phụ nữ huyện đã phát động phong trào “thu gom phế liệu, rác thải nhựa gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Phong trào đã lan toả đến 100% số cơ sở hội, thu hút khoảng 1.000 hội viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tổ chức 190 lượt ra quân dọn vệ sinh môi trường với sự tham gia của 3.800 người. 150 km đường làng, ngõ xóm, mương máng được dọn dẹp sạch sẽ; trồng thêm hơn 5.000 cây xanh. Từ các hoạt động trên, các cấp hội đã thu gom được hàng tấn phế liệu, bán được gần 60 triệu đồng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
“Chúng tôi còn xây dựng mô hình “tự chế vi sinh IMO” để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình. Đến nay, các xã, thị trấn đều tích cực tuyên truyền cách làm chế phẩm IMO tại gia đình và đã có trên 200 hộ thực hiện hiệu quả. Huyện cũng hỗ trợ cấp trên 1.000 thùng đựng rác cho các hộ dân và cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn”, bà Giang Thị Thía, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết.
Ông Đào Ngọc Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Miện cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tuy duy trì, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả.
Sau hơn 9 tháng thực hiện công việc đột phá về vệ sinh môi trường, toàn huyện đã có 306 tuyến đường được giao cho các tổ chức chính trị – xã hội quản lý bảo đảm vệ sinh môi trường. 52 điểm nhấn cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp được xây dựng tại các xã, thị trấn. Các địa phương đầu tư mua thùng đựng rác đặt trên các tuyến đường chính đạt bình quân từ 3-5 hộ/thùng. 148 tổ vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả, trách nhiệm; tần suất thu gom rác thải tăng từ 2 lần/tuần lên 3 lần/tuần. Một số địa phương đã quan tâm chế độ thù lao cho người thu gom rác như: xã Đoàn Tùng 8 triệu đồng/người/tháng; thôn Từ Ô, xã Tân Trào 6 triệu đồng/người/tháng. 100% các mô hình về vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia. Hầu hết các hộ dân, doanh nghiệp đã ký cam kết chung tay với chính quyền địa phương bảo vệ môi trường. |