BVR&MT – Với khoảng 300 lò cô đúc nhôm hoạt động suốt ngày đêm tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) đã tạo nên làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc. Dù là huyện có nhiều tỷ phú nhất vùng với loạt biệt thự mọc san sát nhau, người dân kiếm tiền triệu mỗi ngày nhưng đổi lại là cả một vùng bị ô nhiễm môi trường trầm trọng trong nhiều năm.
Nhiều năm sống trong ô nhiễm
Bỏ qua những nguy hiểm đối với sức khỏe để kiếm tiền đang là thực trạng đáng lo ngại diễn ra tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Với khoảng 1000 hộ dân, trong đó 1/3 số hộ có lò đúc nhôm, môi trường ở đây thường xuyên bị bao phủ bởi lượng khói bụi dày đặc. Những chủ hộ làm nghề cũng như người lao động phải làm việc trong điều kiện ô nhiễm trầm trọng, đối mặt với những nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật, trong đó có cả ung thư. Mặc dù vậy, vì kinh tế, nhiều người sẵn sàng đánh đổi, bào mòn sức khỏe, làm việc trong môi trường vô cùng độc hại.
Mỗi ngày một lò cô đúc nhôm loại nhỏ hoạt động có thể sản xuất ra vài tạ phôi nhôm thành phẩm. Nhân viên lò đốt đổ nguyên liệu là phế liệu nhôm và vỏ lon nhôm vào lò đốt, sau khi tan chảy, sẽ được đổ vào khuôn tạo ra những thanh nhôm thành phẩm.
Anh N.X.T ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang cho biết, những ngày đầu khi bắt đầu vào làm công việc này thì cảm thấy khó chịu, khó thở vì hít khói. Lâu ngày dần dần rồi quen mùi, quen công việc, quen với sự khó thở. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên bất chấp sức khoẻ để làm việc nuôi gia đình và có một cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn, nên dù có nhiều lựa chọn nhưng không thể làm khác được.
“Công việc tuy nặng nhọc nhưng mỗi tháng thu nhập của tôi khoảng 15-20 triệu đồng/tháng và sau một thời gian lao động chăm chỉ, tôi đã tích cóp đủ tiền để trả nợ cho căn nhà mới mà anh xây ở quê. Mặc dù ý thức về sự nguy hại của công việc này đối với sức khỏe, nhưng tôi không biết làm thế nào để tìm một công việc tốt hơn” – anh T. chia sẻ.
Ông Đ.V.M ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, cả xã Văn Môn có 5 thôn, tuy nhiên, chỉ thôn Mẫn Xá là có nghề tái chế. Thôn này ở giữa nên khói bụi, ô nhiễm cả xã phải hứng chịu. Rác thải được đổ vô tội vạ khắp nơi, ùn ứ thành những đống sừng sững như núi bủa vây quanh thôn.
“Đặc biệt trong ngày trời mưa thì cả làng bị mùi thum thủm, hôi thối do hóa chất nhôm bị hòa tan bủa vây. Ngày nắng, gió thổi bụi nhôm mù mịt khắp làng. Trên không trung, khói bụi từ các ống khói lò luyện nhả thẳng lên trời… Cả xã Văn Môn sống nơm nớp trong ô nhiễm. Trung bình mỗi ngày, các lò luyện xử lý, tái chế khoảng 30 tấn nhôm, thải ra khoảng 3 – 4 tấn xỉ thải. Những núi chất thải lưu cữu nhiều năm, ước tính vài trăm ngàn tấn” – ông M. bức xúc nói.
Với khoảng 300 lò cô đúc nhôm hoạt động ngày đêm, làng nghề Mẫn Xá thường xuyên chìm trong khói bụi trong nhiều năm nay. Tro xỉ thải ra sau sản xuất trở thành rác thải độc hại, theo thời gian chất thành núi, gây ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác…Cuộc sống ở đây trở nên vô cùng ngột ngạt. Nhà dân luôn trong tình trạng đóng cửa, trẻ em không có chỗ chơi vì môi trường ô nhiễm. Hơn nữa, sống lâu trong điều kiện khắc nghiệt, bệnh tật cũng phát sinh nhiều hơn.
Đánh đổi sức khỏe lấy kinh tế?
Bác sĩ Nguyễn Văn Duy – Trưởng trạm Y tế xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Theo số liệu thông kê ban đầu từ y tế thôn cho tới ban dân số thì từ năm 2018 đến đầu năm 2023 cả xã có hơn 20 trường hợp bị ung thư, trong đó có 10 người bị ung thư gan; 2 người bị ung thư thận; 5 người bị ung thư đại tràng; 4 người bị ung thư vòm họng…”.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy, song hiện nay, các biện pháp khắc phục đều chưa thực sự hiệu quả. Dự án Cụm Công nghiệp để di dời làng nghề Mẫn Xá mới chỉ di dời được một số hộ dân làm nghề bởi mức chi phí quá cao. Bên cạnh đó, tình trạng đổ trộm xỉ thải khiến nhiều con đường ngập đầy rác thải độc hại.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Công an viên xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau mỗi trận mưa là những bãi phế thải bốc lên những mùi rất chi là khó chịu, thậm trí người ở nơi khác đi qua cũng không thể nào chịu được vì mùi hắc, khét của tro, xỉ nhôm bốc lên.
“Những hệ luỵ từ ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân cũng là nỗi trăn chở của chính quyền địa phương bấy lâu nay. Tuy nhiên, biện pháp trước mắt chỉ là đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân để người dân tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, cùng với đó là tăng cường công tác tham mưu xử lý nạn đổ trộm phế thải ra môi trường” – ông Hiệp cho biết.
Ông Bùi Đức Thuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, thực trạng xử lý ô nhiễm môi trường ở xã Văn Môn rất khó khăn và cần phải có lộ trình dài để triển khai thực hiện, vì mỗi ngày toàn xã phát sinh hàng chục tấn tro, xỉ phế thải ra môi trường nhưng không có biện pháp xử lý triệt để.
“Vì là làng nghề truyền thống nên hầu như toàn bộ công nghệ đúc nhôm đều thủ công lạc hậu, kém hiệu quả. Bên cạnh đó một số người dân vẫn chấp hành chưa nghiệm biện pháp bảo vệ môi trường khiến lượng tro, xỉ thải ngày càng một tăng lên” – ông Thuyên chia sẻ.
Nhiều năm trời sống chung với khói bụi và ô nhiễm, doanh nghiệp và người dân làng nghề Mẫn Xá hiểu rõ nhất mối nguy hiểm đối với sức khỏe như thế nào? Tuy nhiên, phải chăng vì lợi nhuận kinh tế mà họ sẵn sàng bất chấp đánh đổi?!