Đổi thay trên quê hương cách mạng ATK Định Hóa

BVR&MT – Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 50 km về phía Tây Bắc, có trên 91.000 người với 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,6%.

Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện tại xã Trung Lương phục vụ du khách thăm quan ATK Định Hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Với địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, An toàn khu (ATK) Định Hóa đã trở thành nơi ở, làm việc bí mật, an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng…

Mỗi tên bản, tên núi, tên sông của Định Hóa đều gắn liền với các sự kiện lịch sử của cuộc kháng chiến. Những địa danh từng là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội và các đồng chí lãnh đạo Trung ương như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt,… đã ở, làm việc, lãnh đạo kháng chiến như Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Mòn, Thẩm Khen, Khau Tý, Phụng Hiển, Đồng Đau, Làng Quặng, Bảo Biên, Thẩm Tắng, Đèo De – Núi Hồng,… mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Từ năm 2012, quần thể di tích lịch sử ATK Định Hóa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và trở thành nơi lưu giữ giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Trở lại Định Hóa những ngày đầu tháng Tám lịch sử, vẫn còn đây màu xanh điệp trùng của núi rừng, của những đồi chè bát ngát. Từ Sơn Phú, Điềm Mặc, Phú Đình cho tới Tân Dương, Quy Kỳ, Linh Thông… những con đường mới mở khang trang, sạch đẹp đến trung tâm xã và từng thôn bản. Dù là thôn bản vùng sâu, vùng xa hay khu vực “thâm sơn cùng cốc” trước đây, ở đâu cũng thấy những mô hình làm ăn mới, mô hình phát triển sản xuất, trồng rừng, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, thâm canh chè theo hướng sản xuất an toàn…

Vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Sơn Phú, huyện Định Hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Tú cho biết, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất nông lâm nghiệp, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản như: Bao Thai, J02, nếp Vải, nếp Cái hoa vàng… và các sản phẩm được chế biến từ gạo như mỳ gạo bao thai, bún, phở và các loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc… Năm 2023, tổng diện tích trồng lúa của huyện đạt trên 8.700 ha, sản lượng lương thực có hạt ước đạt hơn 51.500 tấn.

Định Hóa trồng các giống chè mới có năng suất chất lượng cao, diện tích trồng chè mới và thay thế hằng năm đạt trên 100 ha, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn lên hơn 360 ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, sản lượng chè búp tươi của năm 2023 ước đạt 29.200 tấn, bình quân tăng 1,74%/năm. Trong bảo vệ và phát triển rừng, mỗi năm, bà con trong huyện trồng mới trên 1.000 ha/năm, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%, cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh.

Định Hóa cũng xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí để phát triển cây quế có giá trị kinh tế cao trên địa bàn gắn với thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Diện tích trồng quế bình quân đạt trên 500 ha/năm, ước đến hết năm 2023 toàn huyện trồng được trên 4.150 ha quế, trong đó có hơn 700 ha quế đã đến tuổi được khai thác tỉa thưa. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện đã quan tâm kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp các Hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, Định Hóa đã có 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP, dự kiến đến hết năm 2023 toàn huyện có từ 13 đến 16 sản phẩm được chứng nhận OCOP…

Đổi thay rõ rệt

Trung tâm văn hóa – thể thao huyện Định Hóa mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Một trong những thay đổi rõ rệt nhất ở Định Hóa hiện nay đó là cơ sở hạ tầng ngày cảng được đầu tư khang trang, hiện đại. Trên cơ sở các quy hoạch hiện có, huyện đã chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết khu đô thị thị trấn Chợ Chu, khu dân cư Đồng Màn xã Bảo Cường, điều chỉnh quy hoạch các xã; điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn Chợ Chu đến năm 2040, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, thực hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2045.

Từ năm 2021 đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện, trụ sở các cơ quan cấp huyện và các xã, thị trấn, cụm công nghiệp… được quan tâm đầu tư, nâng cấp với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 1.200 tỷ đồng. Hạ tầng thương mại được đầu tư, nâng cấp, trong gần 3 năm qua, Định Hóa đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 8 chợ nông thôn. Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023, đến nay huyện đã huy động được tổng nguồn vốn thực hiện trên 1.500 tỷ đồng, đạt trên 80% nhu cầu vốn. Toàn huyện đã có 16/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 73% so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Dự kiến đến hết năm 2023, Định Hóa sẽ hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới…

Từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, hiện nay, Định Hóa đã thu hút đầu tư một số công trình trọng điểm, nổi bật là dự án xây dựng cụm công nghiệp Tân Dương và Nhà máy may Thagaco Định Hóa với diện tích 13 ha, dự án đường dây và Trạm biến áp 110KV Định Hóa. Các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn như: dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km 31 Quốc lộ 3 đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (khu vực Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh); dự án nâng cấp, mở rộng từ ngã ba Quán vuông xã Trung Hội đến Trung tâm thị trấn Chợ Chu; đường Hồ Chí Minh giai đoạn II; đường Trung Lương – Đồng Thịnh – Định Biên – Bảo Linh – Thanh Định – Bình Yên; tuyến đường Kim Phượng – Quy kỳ – Linh Thông – Lam Vỹ – Tân Thịnh; đường Bảo Cường – Đồng Thịnh; Nhà khám bệnh của Bệnh viện đa khoa huyện Định Hoá… đã đem đến một diện mạo mới cho hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện.

Nhờ những giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện đã giảm còn dưới 16% (năm 2022). Dự ước năm nay, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện giảm 5,5%; trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,88% và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 2,62%, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 2.200 người lao động…

Lãnh đạo huyện và các cơ quan chuyên môn khảo sát việc triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Tân Dương, xã Tân Dương, huyện Định Hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Chia sẻ về những kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Định Hóa Nguyễn Đức Lực cho biết thêm, trước mắt, huyện tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, xây dựng thị trấn Chợ Chu đạt tiêu chí đô thị văn minh, phấn đấu đến hết năm 2025 xây dựng thị trấn Chợ Chu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Huyện tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, có giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản có lợi thế của huyện gắn với thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, nâng cao chất lượng và số lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021 – 2025, góp phần hình thành và kết nối các điểm du lịch cộng đồng, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, thu hút đầu tư khai thác các tiềm năng của huyện trong phát triển du lịch…

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags:
CHIA SẺ