BVR&MT – Từ nhiều năm nay, tình trạng quá tải tại các bãi chứa rác giống như một căn bệnh trầm kha, lây lan khắp các tỉnh thành của cả nước, từ nông thôn cho tới thành thị.
Quá tải từ thành thị tới nông thôn
Những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng nhanh chóng về dân số, khối lượng chất thải sinh hoạt, sản xuất ở các tỉnh thành đang tăng lên nhanh chóng. Tình trạng quá tải tại tất cả các bãi rác chung, bãi tập kết xảy ra liên tiếp làm gia tăng tình trạng chất thải ô nhiễm bị đổ tràn lan ra môi trường. Nhiều ao, hồ, đầm, kênh bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ, diện tích thu hẹp nhanh vì phải hứng chịu đủ loại chất thải, khiến nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng nặng nề.
Là một trong năm bãi rác lớn nhất Hà Nôi, bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội đang nằm trong tình trạng quá tải và ô nhiễm trầm trọng. Dù với diện tích vào khoảng 83,5 ha. Tuy nhiên, mỗi ngày bãi rác này phải “hứng chịu” 4.000 tấn rác thải trên tổng số 5.400 tấn rác phát sinh của thành phố. Thậm chí, vào những đợt cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày đêm, khiến lượng rác tồn đọng khá lớn. Nên trong vòng vài năm trở lại đây, dù các hố chôn lấp rác đã được lấp đầy nhưng bãi rác Nam Sơn vẫn tiếp tục phải tiếp nhận rác thải từ khắp nơi của thành phố Hà Nội.
Tương tự như bãi rác Nam Sơn, thì bãi rác nằm trong cụm công nghiệp Khai Quang của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang nằm trong tình trạng quá tải trầm trọng. Đây là bãi rác tạm trong khu vực Gò Chai, phường Khai Quang được đưa vào sử dụng từ năm 2009, với tổng diện tích là 2 ha. Trung bình mỗi ngày, bãi rác này tiếp nhận 250 tấn rác thải trên địa bàn TP. Vĩnh Yên về chôn lấp. Tuy nhiên, sau gần 8 năm sử dụng, bãi rác đã trở thành một núi rác khổng lồ nhưng UBND thành phố Vĩnh Yên vẫn chưa tìm được khu vực thay thế.
Hiện nay, ở các khu vực nội thành, nội thị, các bãi rác đều trọng tình trạng quá tải hoặc sắp đầy. Còn tại khu vực nông thôn, do chưa có quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn, nên nhiều địa phương đã hình thành tự phát các bãi rác tạm tự phát với quy mô diện tích từ vài chục m2 đến vài trăm m2. Các bãi rác loại này phần lớn tận dụng các vùng đất trũng, ao, hồ ở địa phương, không thực hiện phân loại chất thải, không lót đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, không xây dựng tường bao ngăn cách. Do vậy đã gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí trong khu vực.
Xử lý rác thải còn nhiều bất cập
Trong khi các bãi rác đang quá tải và sắp “đóng cửa”, thì phần lớn các tỉnh, thành phố của cả nước vẫn loay hoay trong việc quy hoạch các điểm chôn lấp chất thải rắn, xây dựng và đầu tư trang thiết bị thu gom và xử lý rác. Khiến cho việc thu gom và xử lý rác thải còn tồn đọng rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Do công nghệ xử lý rác thải hiện có của cả nước hầu như chưa thật sự hiện đại, xử lý không đồng bộ, một số chất thải chỉ áp dụng công nghệ tiền xử lý, xử lý sơ bộ bước đầu, chưa giải quyết triệt để việc xử lý rác. Trong khi đó, tại các bãi chôn lấp, tiếp nhận rác thải chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Các bãi này chủ yếu là các bãi rác tạm lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác… Đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh.
Cùng với việc quá tải tại các bãi chôn lấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân xung quanh khu vực đó. Khiến cho việc xây dựng nhà máy xử lý rác mới luôn gặp sự phản đối quyết liệt từ phía người dân nơi có quy hoạch.
Đơn cử như ở tỉnh Vĩnh Phúc, trong khi bãi rác tạm của TP. Vĩnh Yên đã quá tải trong một thời gian rất dài nhưng UBND tỉnh vẫn chưa thể quy hoạch khu vực xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Theo ông Nguyễn Bá Hiến, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Vĩnh Phúc: sở dĩ có tình trạng khó quy hoạch khu vực xử lý rác thải mới vì gặp phải sự phản đối của bà con. Do người dân không còn tin tưởng vào việc các bãi mới này sẽ xử lý triệt để được các vấn đề ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra. Đồng thời việc xe thu gom rác đi qua khu vực dân cư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày, đe dọa môi trường sống an toàn của họ. Thực trạng này không chỉ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà xảy ra chung trên cả nước. Song song với đó, quỹ đất dành cho việc xây dựng bãi rác ngày càng hạn hẹp, nên việc quy hoạch càng trở nên khó khăn với các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại hầu hết là những công ty công ích tại địa phương hoặc các đơn vị tư nhân nên quy mô đầu tư công nghệ không đồng đều dẫn đến việc cạnh tranh chưa thực sự công bằng. Nhiều đơn vị vì lợi nhuận mà quên môi trường, dẫn tới tình trạng cạnh tranh giành giật thị trường bằng mọi giá, dẫn đến việc xử lý không tuân thủ theo đúng giấy phép hành nghề quy định, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, một số đơn vị tiến hành xử lý chỉ mang tính chất đối phó.
Việc quản lý và xử lý rác thải là một trong những lĩnh vực cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự tham gia tích cực của cả cộng đồng. Việc thu gom và xử lý rác còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, cần có sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan. Có như vậy, mới thực hiện hiệu quả việc thu gom xử lý chất thải và góp phần từng bước cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân.
Đông Nghi – Minh Hân